Núi Hồng - Sông La

Anh cover PC ok.jpg
Title Page.jpg

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt sáng cùng nụ cười luôn thường trực trên môi là những ấn tượng ban đầu về cô bé "ốc tiêu" Nguyễn Thị Hồng Ánh (cựu học sinh lớp 12A8 - Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà). Những ngày này, em đang tất bật chuẩn bị để lên đường đi học đại học.

Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Ánh xuất sắc đạt 28,25 điểm khối C00 (Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5 và Địa lí 9,75). Số điểm này giúp em đậu nguyện vọng 1 ngành Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế).

Hành trình đến với giảng đường đại học của Ánh là một câu chuyện dài, chứa đựng nước mắt, nghị lực và ý chí kiên cường khiến nhiều người không khỏi xót xa và cảm phục.

Instagram post thanks for subscriptions, thanks to followers (1).jpg
Hồng Ánh nhớ về những ngày tháng tuổi thơ cơ cực.

Không như nhiều đứa trẻ ở làng quê Thanh Bình, tuổi thơ của Ánh chịu nhiều thiệt thòi. Em không có bố, mẹ sinh Ánh được một tháng thì mắc chứng bệnh thần kinh, phải đi bệnh viện chữa trị. 3 tháng sau mẹ Ánh trở về nhưng nhận thức không còn được bình thường như trước. Thương cháu, bà ngoại bế Ánh về chăm, ngày ngày đi xin sữa về nuôi cháu. Cứ thế, Ánh lớn lên bằng tình yêu thương của bà và người cậu ruột gần nhà.

Năm 12 tuổi, mẹ Ánh sinh thêm em gái. Thương bà ngoại tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh cậu ruột khó khăn không thể lo cho 3 mẹ con Ánh, em chuyển vào Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh sinh sống. Vài tháng sau, em gái của Ánh cũng được gia đình đưa vào đây.

“Những ngày đầu ở làng trẻ, chưa quen với môi trường mới nên em sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người và luôn tỏ ra sợ hãi. Mỗi khi nhắc đến mẹ và bà ngoại, em lại bật khóc, nhiều đêm không ngủ... Đó thực sự là quãng thời gian khó quên nhất với em”, Ánh nhớ lại.

l9.jpg
Tình yêu thương, sự quan tâm, động viên của các mẹ, các anh chị trong làng trẻ đã sưởi ấm trái tim Ánh, giúp em có động lực thay đổi số phận.
Title Page (2).jpg

Giữa biến cố cuộc đời, chị em Ánh may mắn nhận được tình yêu thương của những người mẹ ở Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, được các mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi ngày, các mẹ đều dành thời gian chuyện trò, động viên em cố gắng mạnh mẽ để vượt qua khó khăn.

Tại mái nhà chung này, Ánh còn được các anh chị trong làng động viên, giúp đỡ. Chứng kiến những người cùng cảnh ngộ vươn lên, không để hoàn cảnh khuất phục, Ánh dần thay đổi suy nghĩ, cố gắng học thật giỏi để vượt lên số phận, để có tương lai tươi sáng hơn.

Biến nỗi mất mát, thiệt thòi thành nghị lực, Ánh chăm chỉ học tập, say mê với sách vở cả ngày lẫn đêm. Những giờ học trên lớp, nữ sinh chăm chú nghe giảng, nắm vững kiến thức cô thầy truyền đạt, những vấn đề chưa hiểu em chủ động hỏi thêm giáo viên, bạn cùng lớp. Ở nhà, Ánh nhờ các anh chị hướng dẫn, kèm cặp thêm. Sau những giờ học căng thẳng, em đọc sách để lòng mình được bình an, học những điều bổ ích mà cha mẹ chưa thể dạy.

l10.jpg
Không đầu hàng trước số phận, Ánh quyết tâm học thật giỏi để trở thành cô giáo.
Title Page (3).jpg

Sau những nỗ lực, Ánh cũng đã “hái quả ngọt”. Từ một cô bé học lực hạn chế, Ánh đã xuất sắc đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các cuộc thi, phong trào do lớp, trường tổ chức. Năm lớp 10, Ánh xuất sắc là 1 trong 2 thí sinh giành giải nhất cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học “Vì một Việt Nam tất thắng” do Chương trình Mặt trời Hy vọng, Quỹ Hy vọng - Báo VnExpress cùng Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức.

Trich 4 (1000 x 500 px) (1).gif

Năng nổ, nhiệt tình, ba năm THPT, Ánh được cô giáo, bạn bè tin tưởng giao phụ trách văn thể mỹ rồi làm bí thư đoàn của lớp. Ở cương vị nào Ánh cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tháng 7/2024, Ánh vinh dự là 1 trong 26 học sinh được kết nạp Đảng tại Trường THPT Lý Tự Trọng.

2.jpg
Tháng 7/2024, Ánh vinh dự được kết nạp Đảng tại trường học.

Ngoài những giờ học trên lớp, thời gian ở làng trẻ, Ánh tích cực giúp đỡ các mẹ chăm sóc em nhỏ. Mẹ Phạm Thị Thu Hà (SN 1973) chia sẻ: “Ánh là cô gái giàu tình cảm, đặc biệt chăm sóc và bảo vệ em gái từng chút, dành trọn vẹn tình yêu thương cho em. Không những vậy, em còn ân cần chăm sóc các bé trong làng trẻ từ nấu ăn, giặt đồ đến hướng dẫn các em học bài. Cứ thế, Ánh gần như trở thành mẹ nuôi của các em”.

Từ nhỏ Ánh ước mơ trở thành cô giáo. Để đạt được điều này, em đã nỗ lực rất lớn. Từ kỳ nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 11 Ánh đã tự học trước chương trình của lớp 12. Kết thúc năm lớp 11, em vừa học lại kiến thức lớp 12 vừa luyện đề đại học. Quãng thời gian gần mùa thi, ước mơ vào giảng đường đại học thôi thúc Ánh cố gắng hơn bao giờ hết.

ao2.jpg
ao1.jpg
Hồng Ánh tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp tổ chức.

Điều kiện hoàn cảnh khiến em ít được đi học thêm so với các bạn cùng trang lứa, vậy nên Ánh tự học là chính. Ban ngày học ở lớp, đêm về nữ sinh cùng 2 người bạn trong làng trẻ học đến 11 giờ sau đó đi ngủ, cài báo thức 2 giờ sáng dậy học tiếp. Để có thêm kiến thức, Ánh đã mượn thẻ thư viện của các bạn trong lớp lên Thư viện tỉnh đọc sách.

Những nỗ lực của Ánh cuối cùng cũng được đền đáp. Số điểm 28,25 ở khối C00, giúp em đậu nguyện vọng 1 ngành Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế). “Thực sự khi biết mình đậu đại học, em rất vui và phấn khởi. Em xem đó như là món quà nhỏ dành tặng mẹ. Em thương mẹ lắm, mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ. Em cũng xin dành tặng món quà này như là lời cảm ơn đến bà ngoại, cậu mự, các mẹ nuôi, anh chị cán bộ của làng trẻ đã giúp đỡ, động viên em trong suốt thời gian qua” – Ánh chia sẻ.

l5.jpg
Ánh ước mơ trở thành cô giáo để có cơ hội trở về làng trẻ dạy dỗ các em bé chịu nhiều thiệt thòi.

Ngày nhận tin Ánh đậu đại học, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh vô cùng hạnh phúc. Ánh học được cách sống tự lập ngay từ bé nên bà tin rằng em sẽ vượt qua được những khó khăn. Theo bà Hương, ngoài sự hỗ trợ của làng trẻ, tới đây Ánh sẽ đi làm thêm để trang trải việc học hành.

Trich 2 (1).gif

Nhắc đến học trò, cô giáo Đoàn Thị Lệ Hằng (chủ nhiệm lớp 12A8 - Trường THPT Lý Tự Trọng) không khỏi tự hào: “Ánh là một trong những em học sinh xuất sắc nhất lớp. Em là cô bé hòa đồng, vui vẻ và rất thân thiện. Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng thay vì buông xuôi cho số phận thì em lại lấy đó làm động lực để cố gắng mỗi ngày. Thành quả mà Ánh đạt được thực sự khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Nghị lực của em đã truyền cảm hứng cho các bạn học sinh trong lớp, trong trường noi theo”.

u1.jpg
Hồng Ánh nhận học bổng của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), quà của lãnh đạo tỉnh và UBND huyện Vũ Quang.

Trước ngày vào TP Huế nhập học, Ánh may mắn nhận được nhiều sự giúp đỡ. Chia sẻ với hoàn cảnh của Ánh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã dành tặng suất học bổng trị giá 50 triệu đồng và tặng chỗ ở thời gian 4 năm cho em. Những món quà ấy như tiếp thêm tinh thần, nghị lực để Ánh tự tin hơn ở chặng đường phía trước.

Rời làng trẻ đến giảng đường, một hành trình mới lại bắt đầu với Hồng Ánh. Mang theo khát vọng và nhiều hoài bão em tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này ra trường sẽ quay lại giúp các em trong mái ấm làng. Đó là ngôi nhà thân thương, cưu mang những tháng ngày buồn tủi, khó khăn nhất cuộc đời em.

Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng tin rằng với ý chí và nghị lực của Ánh, em sẽ thành công với con đường mà mình đã lựa chọn.

Video: Hành trình đến giảng đường đại học của cô bé ở Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Thực hiện: Ngân Giang - Sĩ Hoàng

BÀI, ẢNH: NGỌC THẮNG

VIDEO: NGÂN GIANG - SĨ HOÀNG

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…