Roberto Mosquera - nhà kinh tế học tại Đại học Las Americas ở Ecuador – cùng đồng nghiệp thực hiện so sánh mức độ hoạt động của 1.765 người dùng Facebook đang là sinh viên tại Đại học A & M Texas.
Nhóm nghiên cứu chia người tham gia thành hai nhóm: một nhóm ngừng sử dụng Facebook trong vòng 1 tuần và nhóm còn lại tiếp tục sử dụng nền tảng này.
Nhóm phát hiện những sinh viên ngừng sử dụng Facebook có hiệu quả công việc cao hơn, họ cũng nói rằng họ cảm thấy bớt trầm uất hơn, có thời gian tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích hơn, thậm chí còn thực hiện ít hoạt động mua sắm bốc đồng hơn và ăn cũng ít hơn.
Ngừng sử dụng Facebook giúp mọi người bớt trầm uất hơn, làm việc hiệu quả hơn. (Ảnh: pixinoo)
“Facebook có tác động đáng kể đến nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc sống ”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Các nhà khoa học cũng hỏi các tình nguyện viên rằng họ muốn nhận bao nhiêu tiền bồi thường khi từ bỏ Facebook trong 1 tuần. Kết quả, tính trung bình, người tham gia tin một tuần trên Facebook có giá 67 USD – chiếm tỷ lệ đáng kể trong số tiền chi tiêu hàng tuần của một sinh viên thông thường.
Sau một tuần ngừng sử dụng nền tảng này, họ tiết kiệm được thêm 20% số tiền chi tiêu đó. Con số này, theo các nhà khoa học, là điển hình cho mối quan hệ gây nghiện – lệ thuộc vào Facebook.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động đến sức khỏe và tài chính, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người thuộc nhóm ngừng sử dụng mạng xã hội này lại ít có nhu cầu về tin tức hơn.
“ Việc hạn chế dùng Facebook cũng làm giảm nhu cầu tin tức, và những người tham gia cũng không tìm cách thay thế mạng xã hội này bằng các nguồn tin tức khác, hoặc các nền tảng xã hội khác nếu họ ngừng sử dụng nó trong một khoảng thời gian ngắn ”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Economics.