Hội nghị thu hút sự tham gia của đại biểu các sở, ban, ngành liên quan và cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.
Sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo nội dung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Hà Tĩnh cho rằng, trong công tác quản trị bậc đại học hiện nay có thêm Hội đồng trường.
Khi quyết định các chỉ tiêu về số lượng và các vấn đề liên quan của trường, ngoài ý kiến của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Bộ GD&ĐT thì giờ còn phải có ý kiến của Hội đồng trường. Việc quản trị đại học có một cơ quan giám sát là hết sức cần thiết nhưng để cơ quan này hoạt động có hiệu quả thì cần phải có quyền lực thực sự. Chính vì vậy, có chăng trong luật nên để chủ tịch hội đồng trường đồng thời là bí thư đảng ủy.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh nêu đề dẫn và góp ý dự thảo luật.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tịnh – Trưởng khoa bộ môn Tâm lý học (ĐH Hà Tĩnh) thì cho rằng, các nội dụng của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học phần về chế độ, chính sách dành cho giáo viên còn rất mờ nhạt. Chính vì vậy, đề nghị dự thảo thể hiện rõ nét hơn các chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên để yên tâm công tác.
TS Nguyễn Văn Tịnh - Trưởng khoa bộ môn Tâm lý học, ĐH Hà Tĩnh cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện rõ nét hơn các chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên.
Góp ý nội dung dự thảo các luật, thầy Hồ Việt Anh – Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa – du lịch – thể thao Nguyễn Du nêu quan điểm, nội dung dự thảo vẫn chưa đề cập cụ thể đến giáo dục toàn diện và phân rõ trách nhiệm trong giáo dục. Do đó, cần thảo luận sâu để luật sát với thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thầy Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa – du lịch – thể thao Nguyễn Du.
Ngoài ra các đại biểu sở, ban ngành liên quan và thầy cô giáo tại các các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... trên địa bàn cũng có những ý kiến đóng góp thêm liên quan đến việc rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc phổ thông, sự phân tầng sớm ở bậc THPT và các vấn đề liên quan đến đào tạo mở, đào tạo liên thông, quản trị bậc đại học, tự chủ về chương trình, bộ máy, con người, tài chính, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc liên kết đào tạo với nước ngoài, có các chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ em thiệt thòi, khuyết tật trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến của đại biểu và cán bộ, giảng viên.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, cán bộ, giảng viên các trường. Đoàn sẽ tổng hợp, chọn lọc, có ý kiến trước diễn đàn Quốc hội và ban soạn thảo để nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo luật phù hợp với thực tiễn.