Ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có một ngôi làng nhỏ hình thành từ năm 1960, cư dân ở đây đều là con cháu Việt kiều Thái Lan, hồi hương từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian thấm thoắt trôi qua, những “ông tổ” làng Tân Kiều cũng đã trở thành người thiên cổ, nhưng những câu chuyện về Bác Hồ vẫn được con cháu nơi đây cùng nhau lưu giữ.
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1959 tại Thái Lan, kiều bào bị dồn về một số tỉnh miền Nam và Chính phủ sở tại có ý định trao đổi họ cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Kiều bào ta đã đoàn kết một lòng, kiên quyết chống lại những hành động đó và đòi hồi hương về miền Bắc Việt Nam. Đảng, Chính phủ Việt Nam dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Ngày 20/6/1959, Hiệp định hồi hương cho Việt kiều đã được ký kết. Theo đó, Việt kiều ở Thái Lan bắt đầu hồi hương vào đầu năm 1960. Ngày 10/1/1960, chuyến tàu đầu tiên chở 922 kiều bào ta ở Thái Lan về nước đã cập cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí trong Trung ương đã xuống tận cảng đón kiều bào.
Theo số liệu của Thái Lan năm 1960, trong thời gian ngắn đã có 70.042 người đăng ký hồi hương về miền Bắc Việt Nam. Tính từ chuyến đầu tiên đến đầu năm 1964, đã có 75 chuyến hồi hương với khoảng 45.500 người. Trong số này, có rất nhiều người, hộ gia đình chọn Hà Tĩnh làm nơi an cư. Ban đầu, nghe theo chủ trương vận động xây dựng vùng kinh tế mới, có 6 hộ gia đình Việt kiều tiên phong ngược rừng Truông Bát (xã Hà Linh, Hương Khê) để lập nghiệp. Về sau, chính quyền địa phương tiếp tục vận động các hộ khác (đang tạm trú rải rác ở nhiều địa phương) về vùng Truông Bát khai hoang, lập địa, hình thành nên làng Tân Kiều với hơn 20 hộ dân.
Chúng tôi đến gặp gia đình ông Lê Viết Xạt (SN 1947) và bà Hoàng Thị Hương (SN 1952), là những người mang trong mình 2 dòng máu Việt – Thái. Cha ông Xạt là ông Lê Viết Trì, quê gốc ở huyện Can Lộc. Sinh ra trong thời kỳ Pháp thuộc, không chịu nổi áp bức, ông Trì lặn lội qua nước Lào kiếm sống. Sau đó, ông di cư sang Thái Lan và lấy vợ (người Thái), định cư tại đây.
Cùng chung hoàn cảnh, cha bà Hương là ông Hoàng Đương, quê gốc ở huyện Nghi Xuân. Ông Đương cũng bôn ba qua Lào, qua Thái và lấy vợ là người Thái. Ông Trì, ông Đương đều là thành viên của Hội Việt kiều cứu quốc lúc bấy giờ.
Bà Hương kể lại: "Khoảng năm 1959, dù khi đó tôi mới 7 tuổi nhưng vẫn nhớ như in, cha tôi đang nghe Radio (đài phát thanh) thì mắt ánh lên, tâm trạng phấn chấn. Chúng tôi khi đó không hiểu tiếng Việt nên ông giải thích: “Cha (Bác Hồ) ta gọi ta về”. Rồi sau đó cha tôi đăng ký hồi hương, đến năm 1963 thì chúng tôi khăn gói lên tàu, trở về Việt Nam".
Gia đình ông Xạt với 10 người lên chuyến tàu hồi hương năm 1962. Ông Xạt chia sẻ: "Khi đó tôi đã 15 tuổi nên nhớ khá rõ. Ngày lên làng Tân Kiều khai hoang, mẹ tôi khóc nhiều lắm, bà là người Thái, trước đó chưa phải sống trong cảnh vất vả. May thay ngày ấy Bác Hồ có nói: “Những người Thái Lan theo chồng về Việt Nam là con dâu của Bác” và rất được Bác quan tâm. Mẹ tôi và những người Thái khác được ưu tiên nhận chính sách hỗ trợ gạo, hỗ trợ tem phiếu; hàng năm vào dịp lễ, tết, Bác đều gửi quà bánh, vải lụa… Nhờ đó mẹ tôi được an ủi, nhanh chóng hòa nhập".
Làng Tân Kiều vừa ổn định cuộc sống thì Mỹ đánh phá miền Bắc. Nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc, bà con làng Tân Kiều góp công, góp sức chống Mỹ cứu nước. Do nằm trên trục Quốc lộ 15A - huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam nên làng Tân Kiều bị đánh phá ác liệt. Bà con không tiếc người, tiếc của, hiến nhà làm kho chứa gạo, kho hậu cần; nương vườn trở thành trận địa pháo quân sự. Những ông Trì, ông Đương và thế hệ con cháu như ông Xạt… xung phong đi trực phòng không, vận chuyển, tiếp đạn pháo cho bộ đội. Nhiều chị em, có cả người Thái xung phong đi dân công hỏa tuyến, sửa đường, đắp đập. Sau này, nhiều gia đình ở Tân Kiều vinh dự đón nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Hòa bình lập lại, bà con Việt kiều nhanh chóng bắt tay tái thiết làng. Thời kỳ khai khẩn thì bà con bán củi để kiếm sống. Về sau thì trồng chè, cam, bưởi, cao su, trồng rừng keo nguyên liệu, chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Nhiều người khác trở thành công nhân, làm việc trong các xưởng máy.
Bà Hoàng Thị Hà – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi thôn 10, xã Hà Linh cũng là người làng Tân Kiều. Bà Hà phấn khởi cho biết: "Làng Tân Kiều rất yêu nước trong chiến tranh và nhạy bén làm kinh tế, xây dựng quê hương trong thời bình. Bây giờ, con cháu đã phát triển lên gần 100 hộ dân, bà con sống chủ yếu dựa vào sản xuất rừng và trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Có nhiều hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Hải Âu, có hàng chục ha keo nguyên liệu, chăn nuôi gần 30 con bò; anh Lê Viết Mỹ dù còn trẻ nhưng đang phối hợp đầu tư hàng tỷ đồng để mở doanh nghiệp thu mua, chế biến keo tràm. Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Hải Đăng mở được nhà xe lớn ở thành phố Vinh (Nghệ An) chuyên tuyến Việt Nam – Thái Lan… Ngày nay, nhiều con em Tân Kiều cũng đi lao động tại Thái Lan; mua bán, trao đổi hàng hóa Việt – Thái. Còn thế hệ như chúng tôi vẫn giữ điệu múa lăm vông truyền thống của người Thái trong các dịp lễ tết, đám cưới… Trong mỗi thế hệ con cháu làng Tân Kiều đều ghi ơn Bác Hồ".