Ngoài Zidane với 2 danh hiệu vô địch liên tiếp vừa qua, các HLV vô địch Champions League gần đây như Luis Enrique (Barca, 2015), Carlo Ancelotti (Real, 2014), Jupp Heynckes (Bayern Munich, 2013), Roberto Di Matteo (Chelsea, 2012) đều không thuộc mẫu HLV nặng về triết lý.
Giống như chiến thuật, triết lý bóng đá tự thân nó không bao giờ là con đường đảm bảo dẫn đến thành công - đơn giản là nếu như vậy thì làm gì có những triết lý khác nhau cùng tồn tại. Pep Guardiola và lối chơi tiqui-taca nổi đình nổi đám một thời chẳng qua cũng vì một sự ngẫu nhiên: Messi, Iniesta, Xavi, Puyol... đồng loạt tỏa sáng một cách hiếm thấy. Tiqui-taca có làm nên trò trống gì suốt hàng chục năm trước đó!
Cho nên, triết lý bóng đá cao siêu của Pep không bao giờ là điều kiện đủ để có thành công ở Champions League. Triết lý “an toàn là bạn” của Jose Mourinho, hoặc triết lý “lấy tốc độ làm đầu” của Juergen Klopp cũng vậy. Gặp môi trường, hoàn cảnh, tình thế thuận lợi, triết lý đặc sắc của những HLV nổi tiếng sẽ tha hồ diễu võ dương oai.
Ngược lại, thất bại là điều tất yếu. Chỗ hạn chế của mẫu HLV chú trọng triết lý là bản thân họ hầu như không có khả năng tự thay đổi. Họ không thể tự điều chỉnh theo đặc điểm sẵn có của đội bóng hoặc giải đấu. Đội bóng phải thay đổi cho phù hợp với cách huấn luyện của họ.
Mourinho, Guardiola và Klopp có thể thay đổi M.U, Man City và Liverpool, đơn giản bằng cách rải tiền mua sắm cầu thủ thích hợp. Nhưng họ làm sao thay đổi được... Champions League? Nghe có vẻ lạ, nhưng HLV “tay mơ” Zidane bỗng vô địch Champions League 2 năm liên tiếp (dù ông còn chưa có đủ 2 năm hành nghề) một phần vì ông chẳng cần có triết lý nào.
Trước từng trận đấu cụ thể, Zidane tự biết ông cần làm gì, mà không nhất thiết cứ phải bám víu vào quan điểm nào, nguyên tắc nào. Một mặt, đấy chính là nguyên tắc “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Mặt khác, tất nhiên cũng vì trong tay Zidane có Cristiano Ronaldo, cùng hàng loạt ngôi sao khác.
Trên nguyên tắc, triết lý nổi tiếng của Pep, Mourinho, Klopp chỉ thích hợp với giải VĐQG, nơi thứ bóng đá của họ được tập hàng ngày và thi đấu hàng tuần, trước những đối thủ mà họ đã biết. Champions League có đặc điểm khác hẳn. Đấy là trận địa “thời vụ”, tới đâu biết tới đó, và không ai biết trước đối thủ ở vòng tiếp theo.
Ở trận địa này, cách huấn luyện bất biến của các “triết gia” thoạt nhìn là đã thấy không phù hợp rồi. Gặp đối thủ thua hẳn về đẳng cấp thì không nói làm gì. Nhưng nếu cân sức cân tài, khi chuyện thắng bại đôi khi chỉ được phân định bằng một tình huống ngẫu nhiên, thứ quan điểm bất di bất dịch của các HLV thiên về triết lý sẽ tự biến thành trở lực.
Đây đã là mùa thứ hai các HLV nổi tiếng như Guardiola, Mourinho, Klopp, dẫn dắt Man City, M.U, Liverpool (không kể mùa đầu tiên không trọn vẹn của Klopp ở Liverpool). Trên nguyên tắc, cầu thủ và HLV đã hiểu nhau hơn. Quan điểm của nhà cầm quân đã thẩm thấu tốt hơn vào đôi chân của các hảo thủ. Ngoài ra, còn có Chelsea của Antonio Conte và Tottenham của Mauricio Pochettino. Bóng đá Anh hào hứng chờ xem “ngũ hổ” bước vào Champions League là phải.
Một cách riêng rẽ, hy vọng thành công của Man City, Liverpool hoặc M.U đều không cao, vì lý do đã nêu. Nhưng cái nhìn tổng thể lại khác. Triết lý này sụp đổ thì triết lý khác lại có thể thành công. Các đại diện Anh tại Champions League mùa này quá đa dạng, nên đấy lại là hy vọng lớn cho Premier League. Mỗi đội mỗi vẻ, với các quan điểm và lối chơi khác hẳn nhau, chẳng lẽ tất cả đều thất bại!