Người cộng sản “đi vắng”

(Baohatinh.vn) - Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trên rộng dài đất nước Việt Nam luôn xuất hiện những bậc anh hùng. Đối mặt với kẻ thù, trong giờ phút sinh tử, các anh hùng đã tỏ rõ khí chất anh dũng, mạnh mẽ, đanh thép, vững vàng... của người con nước Việt và những câu nói cuối cùng của họ luôn có tầm ảnh hưởng lớn tới lý tưởng, nhân cách của thế hệ muôn sau.

Du khách tham quan Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ảnh: Quốc Khánh

Du khách tham quan Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ảnh: Quốc Khánh

Một trong những câu nói còn mãi vọng vào lịch sử chính là câu trong bức thư cuối cùng mà Tổng Bí thư Hà Huy Tập gửi về gia đình: “Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại hãy xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”. Một câu nói nhẹ nhàng, không khẩu hiệu mà có ý nghĩa thâm sâu. Câu nói đó hướng tới sự động viên dành cho người thân, bạn hữu nhưng đồng thời cũng khẳng định bản lĩnh kiên định, vững vàng, ý chí bất khuất của người cộng sản trẻ tuổi.

Câu nói ấy, thoạt đầu có thể khiến người đọc nhói đau nhưng rất nhanh sau đó sẽ tự lấy lại được tinh thần, bởi Hà Huy Tập đã gửi vào đó sự lạc quan trước cái chết và niềm tin vững chắc vào con đường mà Đảng đã chọn. Ông như đang thầm nhắn nhủ với mọi người rằng, dù tôi ra đi nhưng lý tưởng của tôi vẫn ở lại, con đường cách mạng mà tôi theo đuổi sẽ được các đồng chí trong Đảng tiếp tục. Tôi ra đi nghĩa là tôi đã hiến dâng trọn cuộc đời mình, trái tim mình cho sự nghiệp cách mạng. Câu nói đó cũng ẩn giấu niềm tiếc nuối khi không còn cơ hội để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bởi thế, dường như ông cũng mong muốn mọi người hãy coi như ông đang đi xa, làm nhiệm vụ đặc biệt ở một nơi nào đó, vẫn tiếp tục giúp dân, giúp nước.

Trước đó, khi chính quyền Pháp đổi bản án của Hà Huy Tập thành án tử hình vì phải chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (25/3/1941), ông từng bác lại lời bào chữa của luật sư và tuyên bố trước tòa: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động”. Câu nói đó khẳng định một ý chí kiên định, một tinh thần kiên trung, bất khuất, một niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng của Đảng. Hà Huy Tập biết rõ, khi câu nói đó phát ra, mọi hy vọng sống sót của ông không còn nhưng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào cách mạng không cho phép ông nói khác.

Sau câu nói đó, ngày 28/8/1941, Hà Huy Tập bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác tại Sở Rác (Sài Gòn). Và đúng như lời ông dặn lại trong bức thư cuối cùng “hãy xem tôi như là còn sống”, không chỉ người thân, bạn hữu mà nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Việt Nam vẫn luôn coi ông như người đang “đi vắng” mà thôi.

Tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc của người chiến sỹ cộng sản Hà Huy Tập đã lan tỏa vào lý tưởng của nhiều thế hệ. Có lẽ, chính từ tinh thần của ông và lớp cán bộ, chiến sỹ cộng sản như ông mà về sau, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều anh hùng đã ngã xuống trong ánh hào quang tỏa rạng của chân lý được dâng hiến đời mình cho Tổ quốc mẹ hiền. Chẳng những thế mà người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi đã gây xúc động cho giới trẻ và nhân dân tiến bộ khắp năm châu khi tuyên bố “còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc”. Chẳng những thế mà trước họng súng kẻ thù, Nguyễn Viết Xuân vẫn dõng dạc hô to: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên. Chẳng những thế mà anh hùng Lê Mã Lương rút ra một lý tưởng thôi thúc bao thế hệ thanh niên lên đường đánh giặc - “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”… Những câu nói đó đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu của các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Những ngày tháng này, nhân dân cả nước đang hướng về Hà Tĩnh – quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Tuổi trẻ và nhân dân Hà Tĩnh cũng đang ra sức hành động nhằm tưởng nhớ và tri ân người con quê hương nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư. Một lần nữa, những bài học từ người cộng sản kiên trung, bất khuất Hà Huy Tập lại lan tỏa. Và câu nói trong bức thư cuối cùng ông gửi cho người thân lại thức dậy trong tâm tư, tình cảm, lý tưởng của tuổi trẻ những hoài bão, những khát khao cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà ông cha đã đấu tranh gây dựng.

Chủ đề 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên dương 11 điển hình học và làm theo Bác

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên dương 11 điển hình học và làm theo Bác

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tuyên dương, khen thưởng 3 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.