Ngay từ sáng sớm, tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn Hà Tĩnh, các cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả… đã tấp nập người mua hoa quả về chuẩn bị lễ cúng, thắp hương. Trong đó, hai loại trái cây được nhiều người tìm mua nhất là vải thiều và mận hậu.
Theo một số tiểu thương, giá các loại trái cây này đã tăng khá cao trong dịp lễ. Cụ thể, giá mận hậu dao động từ 45.000 – 65.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với vài ngày trước; vải thiều loại to đẹp, chín đều giá bán lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Chị Lê Thị Lý – tiểu thương kinh doanh hoa quả chợ TP Hà Tĩnh: “Dịp này, hoa quả bán rất đắt hàng do nhu cầu mua làm lễ tăng và giải nhiệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bán chạy nhất từ sáng đến giờ là các loại quả như mận hậu, vải thiều, chôm chôm, xoài… Do nhu cầu lớn, hoa quả cũng nhích hơn so với ngày thường vài ba giá”.
Các loại hoa trên mâm cỗ dịp lễ cũng được tiêu thụ mạnh hơn ngày thường, riêng hoa cúc vàng giá từ 5.000 – 7.000 đồng/bông. Cau trầu, vàng mã cũng là mặt hàng không thể thiếu trong lễ cúng của người dân Việt Nam nên giá thành có “nhích” lên nhưng không đáng kể.
“Tết Đoan ngọ là dịp để cả gia đình đoàn tụ. Ngoài mâm cỗ mặn, tôi chuẩn bị đầy đủ mâm ngũ quả cúng gia tiên cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình, dòng tộc. Và sau là để các thành viên trong gia đình tổ chức bữa liên hoan nhỏ tạo không khí vui tươi, gắn kết tình cảm” – bác Trần Thị Nhàn (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Nếu ở các tỉnh phía Nam, bánh tro là nét ẩm thực không thể thiếu, thì với người dân các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Tĩnh, các gia đình thường làm các món ăn từ vịt trong ngày này, do đó đây cũng là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất.
Chị Nguyễn Thị Lan – một người bán vịt tại chợ Thạch Lưu (Thạch Hà) cho biết: “Sáng nay, tôi chở gần 80 con vịt đến chợ thì chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đã bán gần hết. Nhìn chung, giá mặt hàng này không tăng quá nhiều so với ngày thường. Vịt còn sống dao động từ 70 – 80 ngàn đồng/con, vịt làm sẵn ở mức khoảng 90 - 100 ngàn đồng/con".
Bà Lê Thị Ngân (Thạch Lưu, Thạch Hà) chia sẻ: “Đã thành thông lệ, cứ sáng mồng 5/5 âm lịch là tôi lại ra chợ từ sớm, chọn đôi vịt cỏ ngon nhất về làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên. Thịt vịt được xem là món ăn truyền thống dịp Tết Đoan ngọ, lại bổ dưỡng và mát, thích hợp với thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, thịt vịt dịp này sẽ bắt đầu béo, thơm có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn”.
Mọi người đều tỉ mẩn chọn cho những bông hoa, mâm ngũ quả đẹp nhất dâng lên bàn thờ bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên; cầu mong cho một mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp gắn kết đời sống của người dân vì vậy con cháu đi làm ăn, học hành xa đều cố thu xếp trở về để đoàn tụ cùng gia đình.