Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 25 năm đợi chờ, 29 hộ dân (đợt 1) vừa phấn khởi đến trụ sở UBND thị trấn Xuân An (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) để nhận tiền hỗ trợ về vụ việc cấp đất cho 55 hộ dân dọc hai bên QL 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy 1.

Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

Được giải quyết hợp tình hợp lý, các hộ dân hân hoan đến nhận tiền hỗ trợ.

Sai sót khi giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền

Thực hiện chủ trương kêu gọi công dân Hà Tĩnh về xây dựng quê hương, từ năm 1992 – 1993, UBND huyện Nghi xuân và UBND xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An) đã tiến hành thu tiền, giao đất cho 55 trường hợp dọc hai bên QL 1A (đoạn phía Nam cầu Bến Thủy 1, thuộc tổ dân phố 2).

Tuy nhiên, việc giao đất không đúng theo ranh giới quy định được duyệt nên ngày 11/10/1993, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1217QĐ/UB về việc “Đình chỉ xây dựng nhà ở, quầy quán đối với các lô đất đã được giao cho các hộ dân”.

Điều đáng nói là, sau khi đình chỉ, UBND huyện Nghi Xuân không tiến hành rà soát, xử lý theo quy định để hủy bỏ các quyết định, biên bản giao đất sai quy định và kịp thời hoàn trả lại tiền cho các hộ dân khiến vụ việc kéo dài hàng chục năm.

Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

55 lô đất được giao nằm 2 bên phía Nam cầu Bến Thủy 1.

Nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra xác minh, làm rõ. Theo Kết luận thanh tra số 152/KL-UBND ngày 27/5/2019 cho thấy, trong số 55 trường hợp được giao đất, chỉ có 2 trường hợp đúng đối tượng để được giao đất theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc giao đất cho 2 hộ này lại không đúng thẩm quyền (chỉ có biên bản giao đất của UBND xã Xuân An).

Không dừng lại ở đó, việc giao đất cũng rất tùy tiện, vi phạm ranh giới quy hoạch (quy hoạch cách tim đường QL1A 20.5m nhưng lại cấp cách 17,5m), quá số lô và không đúng diện tích theo quy hoạch, sai chỉ giới xây dựng (chỉ 52 lô được phê duyệt nhưng cấp 55; 9/55 lô cấp đúng diện tích theo quy định là 102 m2, còn lại có diện tích lớn hơn, có hộ lên đến 120 m2).

Đặc biệt, trong số này chỉ có 17 trường hợp có quyết định giao đất đúng thẩm quyền (UBND huyện Nghi Xuân); 32 trường hợp có biên bản giao đất của UBND xã Xuân An; 6 trường hợp không có quyết định giao đất hoặc biên bản giao đất.

Bên cạnh đó còn có một số sai phạm khác như hồ sơ giao đất không hợp lệ, hồ sơ giao đất sai tên, địa chỉ công tác...

Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

Để nhận tiền, người dân phải nộp lại toàn bộ hồ sơ cấp đất trước đó.

Những sai phạm này thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện Nghi Xuân, cán bộ chức năng liên quan; Chủ tịch, Phó chủ tịch xã Xuân An và cán bộ chức năng liên quan giai đoạn 1992 - 1994. Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc: “Do lịch sử để lại và nhiều yếu tố khách quan tác động nên cơ quan chức năng không tiến hành xử lý những cá nhân chịu trách nhiệm”.

Hướng tháo gỡ “hợp tình hợp lý”

Quyết định số 1217QĐ/UB ở thời điểm ấy là hoàn toàn chính xác. Nhưng về bản chất, tất cả các hộ đều đã nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước là để được giao đất và phải được đảm bảo công bằng khi Nhà nước xác định giá trị hoàn trả. Đó là quan điểm của các cấp từ trung ương đến địa phương nhằm không để người dân bị thiệt.

“Giai đoạn 1992 - 1994, có 47 hộ đã nộp tiền với số tiền thấp nhất là 700.000 đồng, cao nhất là 4,5 triệu đồng” - ông Trần Hoàng Thạch - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân cho biết.

Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

Có 47 trường hợp đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước sẽ được hỗ trợ theo phương án hoàn trả bằng tiền...

Bởi vậy, để giải quyết vụ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định của pháp luật, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tham vấn ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án hoàn trả.

Ngày 13/7/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6606/VPCP-NN đồng ý với đề xuất của Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh về phương án giải quyết vụ việc.

Theo đó, xem xét, giải quyết cho 47 trường hợp theo phương án hoàn trả bằng tiền đối với các hộ đã nộp vào ngân sách Nhà nước để được giao đất. Số tiền hoàn trả được xác định theo đơn giá đất quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại thời điểm chi trả, với diện tích đất được xác định trên cơ sở số tiền đã nộp và đơn giá tại thời điểm giao đất.

Qua rà soát, cơ quan chức năng đã xác định 46 hộ nhận được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 24.756 triệu đồng (1 hộ là tập thể chưa xem xét để bồi thường vì không đủ giấy tờ). Trong đó, đợt 1 sẽ tiến hành chi trả cho 29 hộ với tổng số tiền 16.305 triệu đồng (hỗ trợ hoàn trả đất đai 16.169 triệu đồng, 136 triệu đồng hỗ trợ tài sản trên đất); đợt 2 có 17 hộ nhận hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 8.451 triệu đồng (hoàn trả đất đai 8.288 triệu đồng và 163 triệu đồng tài sản trên đất).

Người dân Nghi Xuân vui mừng nhận tiền hỗ trợ sau hơn 25 năm “vụ giao đất trái thẩm quyền ở phía Nam cầu Bến Thủy 1”

Sau khi nhận hỗ trợ, nhiều hộ dân đã gửi tiền vào Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân.

Nhận 320 triệu đồng hỗ trợ từ số tiền 2 triệu đồng đã nộp trả tiền đất năm 1992, anh Nguyễn Trung Tính (thị trấn Xuân An) không giấu được niềm vui cho biết: “Sau nhiều lần đề xuất, đến nay mức hỗ trợ này là vui rồi. Vẫn có người cho rằng, “mức nộp tối đa 4,5 triệu cách đây gần 30 năm có thể cao hơn nhiều so với hỗ trợ 720 triệu đồng hiện tại. Tuy nhiên, với cách giải quyết của các cấp từ trung ương đến địa phương như thế, ai cùng thấy “hợp tình hợp lý” và vui vẻ chấp nhận".

“Số tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và huyện với mức hỗ trợ là 6 triệu đồng/m2 (tính theo giá đất quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2014). Nếu nộp đủ 4,5 triệu đồng cho diện tích 120 m2 thời điểm giao đất, sẽ nhận mức tối đa là 720 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm sẽ hoàn tất việc chi trả tiền hỗ trợ” - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân - Trần Hoàng Thạch nói thêm.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.