Người Hà Tĩnh bám trụ tại Lào, Thái Lan giữa “làn sóng” đổ xô về nước

(Baohatinh.vn) - Nhiều lao động quê Hà Tĩnh đang sinh sống tại Lào và Thái Lan quyết định lựa chọn ở lại thay vì trở về quê bởi lo sợ khả năng lây nhiễm trong quá trình di chuyển và những khó khăn khi trở lại tìm việc làm sau khi dịch bệnh được khống chế.

Người Hà Tĩnh bám trụ tại Lào, Thái Lan giữa “làn sóng” đổ xô về nước

Đức Anh thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thái Lan. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Đức Anh (quê xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là con thứ trong một gia đình có bốn chị em. Bố Đức Anh sang Thái Lan làm việc. 2 năm sau, nhận thấy thu nhập khấm khá hơn so với làm ruộng ở quê, ông đưa vợ và con trai cùng qua nước bạn làm ăn.

Thấm thoắt cũng đã 3 năm kể từ ngày theo bố mẹ sang Thái, từ lúc còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới, chàng trai 18 tuổi giờ đây đã thuộc lòng từng ngõ ngách nơi xóm nhỏ, giao tiếp cơ bản với người bản địa.

Quán mucatha (một món ăn dạng lẩu nướng đặc trưng của Thái Lan) được bố mẹ Đức Anh mở ở ngoại ô thủ đô Bangkok cũng đã duy trì một lượng khách ổn định, đủ để hàng tháng ngoài việc trang trải cho cuộc sống 3 người, còn có thể dành dụm được một khoản tiền nhỏ gửi về cho ông bà nội, ngoại nhờ chăm sóc hộ hai con út còn đang trong độ tuổi đi học.

Tuy vậy, kể từ sau khi Thái Lan ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, cuộc sống cũng như công việc kinh doanh của gia đình Đức Anh có sự xáo trộn đáng kể. Lượng khách hàng giảm. Ngoài những công việc cần thiết, các thành viên trong gia đình thời gian này hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, khẩu trang là vật dụng không thể thiếu.

“Dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thái Lan hiện tại đã ghi nhận hơn 930 ca nhiễm, trở thành ổ dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia. Mỗi ngày gia đình em đều theo dõi các tin tức cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh. Dù lo sợ nhưng ai cũng động viên nhau cố gắng vượt qua”, Đức Anh tâm sự.

Chàng trai trẻ cho hay, mặc dù có nhiều đồng hương người Việt tại Thái khuyên gia đình cậu nên trở về nước, song sau khi suy xét kỹ tình hình, bố mẹ cậu lựa chọn ở lại, tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng tránh dịch của giới chức địa phương.

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em biết được rằng Chính phủ Thái Lan sắp tới rất có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để chống dịch Covid-19. Em tin, bằng các biện pháp mạnh mẽ này, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế”. Đức Anh nói đồng thời cho hay, các thành viên gia đình cậu luôn nhắc nhở nhau phải tuân thủ các quy định của nhà chức trách, bao gồm ở lại nơi cư trú, không đi lại tụ tập đông người và tiến hành các biện pháp tự cách ly, phòng chống dịch bệnh.

Cùng chung quan điểm với gia đình Đức Anh, Nguyễn Viết Quân (quê xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng lựa chọn ở lại chống dịch thay vì trở về vì cho rằng “hạn chế di chuyển cũng là một cách để tự bảo vệ mình và cộng đồng”.

Có hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Thái Lan, công việc chính của Quân là buôn bán thực phẩm tại chợ đêm ở Bangkok. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại “xứ sở chùa Vàng”, Quân chủ động tích trữ nhiều thực phẩm để sử dụng dài ngày, mỗi lần ra chợ buôn bán đều đeo khẩu trang, găng tay và thường xuyên mang theo chai nước rửa tay sát khuẩn bên mình.

Người Hà Tĩnh bám trụ tại Lào, Thái Lan giữa “làn sóng” đổ xô về nước

Sạp hàng của Quân tại chợ đêm Bangkok. (Ảnh: NVCC)

Chàng trai 27 tuổi cho biết, nếu Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thì rất có thể việc kinh doanh sẽ bị gián đoạn, chợ đêm phải tạm đóng cửa một thời gian. Tuy nhiên, hiện tại, việc trở về nước cũng gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Bên cạnh đó, việc di chuyển về các cửa khẩu biên giới Thái Lan - Lào để tìm cách về Việt Nam là hoạt động vi phạm luật của Thái Lan về tình trạng khẩn cấp, mặt khác, các cửa khẩu này sẽ được đóng bất kỳ lúc nào để phòng dịch.

“Thay vì tìm mọi cách để trở về bằng được, mình quyết định ở lại để xem xét thêm tình hình. Tăng cường các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân. Nếu trường hợp quá khó khăn sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan”, Quân nói.

Chung quan điểm với đồng hương, Ngô Văn Lộc (quê xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) đã thuộc lòng số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam. Chàng trai 25 tuổi đang sinh sống và làm nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) hơn 8 năm nay, chia sẻ thời gian qua công việc luôn gắn với chiếc khẩu trang, găng tay và bảo vệ, không tiếp xúc quá nhiều người.

Người Hà Tĩnh bám trụ tại Lào, Thái Lan giữa “làn sóng” đổ xô về nước

Lộc làm nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. (Ảnh: NVCC)

“Hiện, Lào chỉ mới ghi nhận hai ca dương tính với Covid-19 nên mình cũng không quá hoang mang. Mình thường xuyên theo dõi các thông báo và khuyến cáo của nhà chức trách địa phương và của Đại sứ quán Việt Nam ở Lào, trong trường hợp dịch bệnh chuyển biến xấu, mình luôn an tâm vì Đại sứ quán luôn tìm mọi cách để hỗ trợ công dân một cách tốt nhất. Nếu bây giờ trở về, đôi khi vô tình mình sẽ tạo thêm áp lực cho chính quyền địa phương trong nỗ lực chống sự lây lan của dịch bệnh”, Lộc bày tỏ.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.