Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

(Baohatinh.vn) - “Sống chậm” trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, Nguyễn Duy Hoành Sơn (27 tuổi, quê TP Hà Tĩnh) đã có những trải nghiệm khó quên với lần đầu tiên đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch....

"Lạ lẫm" đi chợ bằng “tem phiếu”

Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

Mỗi gia đình được chính quyền cấp 5 phiếu tương đương nửa tháng (phiếu màu hồng đi chợ ngày chẵn, màu xanh đi ngày lẻ) - Ảnh: NVCC

Gắn bó với thành phố biển xinh đẹp đã nhiều năm, đây là lần thứ hai Nguyễn Duy Hoành Sơn (nhân viên Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại TP Đà Nẵng) thực hiện lệnh giãn cách xã hội trước làn sóng dịch bệnh mới.

Không còn hoang mang hay lo lắng, cũng giống như nhiều người dân khác, Sơn đã dần quen và tuân thủ nghiêm quy định cách ly xã hội tại Đà Nẵng. Cách đây vài ngày, Sơn được tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà tại đường Chu Huy Mân (quận Sơn Trà) phát “tem phiếu” để đi chợ, bắt đầu từ ngày 12/8.

Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

Trước khi vào chợ, người dân phải xuất trình phiếu, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang đúng quy định. (Ảnh: NVCC)

Dù khá lạ lẫm nhưng Sơn nhanh chóng được giải thích về quy định mới về việc phát thẻ phân chia tần suất đi chợ của người dân TP Đà Nẵng. Tần suất sử dụng thẻ là 3 ngày đi chợ 1 lần, mỗi hộ được phát 5 thẻ sử dụng để đi chợ cho 15 ngày.

Phiếu ngày lẻ màu xanh, ngày chẵn màu hồng, có đóng dấu đỏ của UBND quận. Trên phiếu ghi thông tin đại diện hộ gia đình, địa chỉ, số điện thoại và mỗi thẻ chỉ có giá trị sử dụng một lần tại một chợ bất kỳ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

Người Đà Nẵng đi chợ rất ý thức giữ khoảng cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch (Ảnh: NVCC)

Thật khác với những ngày thường, trước khi đi chợ Sơn phải chuẩn bị sẵn phiếu và danh mục những món cần thiết, mua bán nhanh gọn nhưng luôn thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn cho bản thân.

“Trong những ngày này, các kênh hàng hóa nhu yếu phẩm như siêu thị hay chợ ở đây vẫn hoạt động bình thường. Chỉ khác trước là khi vào chợ phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, rửa tay bằng nước rửa tay trước cổng, xuất trình “tem phiếu”, các tiểu thương phải giãn cách nhau mới được phép bày bán. Có nhiều trường hợp không có phiếu hay không đeo khẩu trang thì được lực lượng chức năng giải thích rồi mời về, dù năn nỉ thế nào cũng không được vào.”- Sơn kể về ngày đầu tiên đi chợ bằng “tem phiếu” của mình.

“Biến cố này làm mọi người thêm yêu Đà Nẵng”

Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

Dù chỉ đi chợ 3 ngày 1 lần nhưng Hoành Sơn vẫn cân đối được thực phẩm, vật dụng cần thiết để đảm bảo quy định giãn cách xã hội (Ảnh: NVCC)

Dù phải lỉnh kỉnh xách đủ thứ dùng trong 3 ngày, nhưng Sơn và mọi người đều đồng tình và cảm thấy không phiền phức, ngược lại yên tâm hơn khi số người đi chợ ít hơn mọi ngày.

Ai cũng hiểu việc đi chợ bằng “tem phiếu” là một trong phương án phòng dịch, có thể truy vết, khoanh vùng những người liên quan nếu có ca lây nhiễm phát sinh trong cộng đồng. Khi đến chợ, mọi người mua bán ôn hòa, nhường nhịn, cùng nhắc nhở nhau mỗi người cố gắng một tí để thành phố sớm trở lại như xưa.

Người Hà Tĩnh đi chợ bằng “tem phiếu” trong mùa dịch ở Đà Nẵng

Nhịp sống của Đà Nẵng những ngày này đang chậm lại nhưng cuộc chiến với Covid-19 đang diễn ra từng phút, từng giờ. (Ảnh: NVCC)

Sự bình yên dù đang trong “tâm bão” khiến Sơn cảm thấy tự hào. Cậu nhận ra, người Đà Nẵng không ồn ã, không hoảng hốt, không hoang mang và lo sợ trước dịch bệnh.

Hoành Sơn chia sẻ: "Ở một góc nhìn khác, Đà Nẵng hiện giờ bình yên vô cùng, khác hẳn với một thành phố sôi động trước đó. Người dân tham gia cùng chính quyền, lực lượng chức năng nỗ lực phòng chống dịch bệnh, các điểm từ thiện, phát khẩu trang miễn phí mọc lên khắp nơi để hỗ trợ mọi người.

Các vật tư và nhân lực từ các khắp nơi trên cả nước liên tục được gửi về Đà Nẵng khiến cho lòng tin về việc dập dịch thêm phần vững chắc. Biến cố này chỉ làm mọi người thêm yêu mến Đà Nẵng hơn thôi nên mình tin: nhất định Đà Nẵng sẽ vượt qua đại dịch!"

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...