Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

(Baohatinh.vn) - Nghe chất giọng “trọ trẹ” của vùng đất Hà Tĩnh vang trong gió, dội vào lòng đảo, trầm bổng nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc mới thấy thật thân thương.

Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

Đảo Trường Sa lớn. Ảnh Internet

Khoảng cách hàng nghìn km nhưng Hà Tĩnh - Trường Sa dường như không còn xa bởi sự hiện diện của nhiều người con Hà Tĩnh ở đây. Xa gia đình, quanh năm đối mặt với gian khó, hiểm nguy là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cuộc sống của những người lính Hà Tĩnh và đồng đội ở Trường Sa.

Trường Sa giờ đây vật chất đủ đầy đã đành, tinh thần cũng không còn thiếu thốn nữa. Ti vi, điện thoại thông minh kết nối mạng 24/24h. Tháng nào, thậm chí có những thời điểm, tuần nào cũng có các đoàn nghệ thuật ra phục vụ. Rồi tiếng chuông chùa, thấp thoáng bóng áo nâu sồng thật gần gũi, thân thương…

Ở Trường Sa hội tụ mọi miền quê. Miền Bắc có Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng.... Miền Trung có Thanh Hoá, Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa…. Miền Nam có thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau.... Có dân tộc Kinh, có Thái, Mường, Khmer...

Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Ngược dòng lịch sử cách đây 33 năm, trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hy sinh thì có 3 người con Hà Tĩnh đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù. Đó là đồng chí Đào Kim Cương, sinh năm 1967, quê ở Can Lộc; đồng chí Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1967, quê ở Hương Điền, Hương Khê và đồng chí Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1967, quê ở Sơn Kim, Hương Sơn. Danh tính ba liệt sĩ được khắc trang trọng trên tấm bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988” tại ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn.

Hà Tĩnh cùng với các tỉnh thuộc Khu IV trong những năm 1980 trở đi có hàng ngàn lượt con em lên đường nhập ngũ vào Hải quân Nhân dân Việt Nam, đa số đều tình nguyện ra Trường Sa. Họ tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi hai đầu Tổ quốc và Biển Đông lại vang lên tiếng súng.

Trong những năm quân ngũ, người chiến sĩ quê hương Hà Tĩnh luôn là những tấm gương sáng đối với đồng đội về lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực vượt khó. Chiến tranh, các anh dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng. Nhiều năm sau, giữa thời bình, máu đào của những người con Hà Tĩnh và đồng đội vẫn thấm đỏ từng thớ đất, dải cát, bãi đá ở Trường Sa.

Đến với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK, tôi được nghe kể về sự kiện “bi tráng Nhà giàn Phúc Nguyên 2A”. Trung tá Lương Hữu Nhuần - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7 cho biết: “Ngày 12/12/1998, cơn bão số 8 (Fathes) đổ bộ vào khu vực thềm lục địa với sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12. Rạng sáng ngày 13/12, tình thế nguy cấp, cán bộ, chiến sĩ đành phải nhảy xuống biển.

Mãi mấy ngày sau, tàu của ta tìm thấy 6 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trên biển thì 3 đồng chí đã hy sinh, trong đó có Chuẩn úy Lê Đức Hồng, 26 tuổi, quê Thạch Mỹ, Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà). Các đồng đội của anh vẫn nhớ mãi câu nói “vĩnh biệt đất liền” của Chuẩn úy Hồng trước khi hy sinh. Câu chuyện về anh Hồng và đồng đội khiến tôi rưng rưng bởi anh ngã xuống khi còn quá trẻ, dở dang biết bao hoài bão, khát khao cống hiến.

Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

Chiếc phao bè đã từng cứu sống các chiến sỹ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A.

Chuyến công tác mới chỉ qua 11 đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 nhưng chúng tôi không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ quê ở Hà Tĩnh. “Hà Tĩnh quê mình ở đây mấy người?”, gặp ai mà nghe chất giọng Nghệ là tôi đều hỏi vậy.

“Nhiều lắm, không nhớ hết anh ạ! Ở Trường Sa thường xuyên luân phiên, đổi vị trí công tác giữa các đảo, người quê Hà Tĩnh lại đông, có người ở vài năm, 1 năm, hay vài tháng rồi lại chuyển công tác nên không cố định” - câu trả lời đầy tự hào của một chiến sỹ Trường Sa.

Tôi đặc biệt ấn tượng với thông tin một gia đình Hà Tĩnh có hai anh em cùng công tác ở Trường Sa. Đó là Đại úy Nguyễn Đình Đức và người em trai Trung úy Nguyễn Đình Nhật, quê ở Đức Thọ. Anh Đức công tác trong lực lượng kiểm ngư, chuyên đưa đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ra công tác và thăm đảo; còn anh Nhật đang công tác tại Nhà giàn DK1/12 (cụm Nhà giàn Tư Chính).

Sau ngày cưới, anh Nhật nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, đến nay, đã hơn 3 năm anh công tác trên các nhà giàn. Cứ thế, anh biền biệt xa gia đình. Năm 2019, biết tin vợ vượt cạn thành công, anh vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Anh ôm chầm lấy anh em trên nhà giàn mà hét lên: “Vợ tớ sinh rồi!”. Cả đảo chung vui với anh bằng những lời chúc mừng thắm tình đồng đội.

Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

Binh nhất Lê Đình Hưng (bên phải) cùng đồng đội chăm sóc vườn rau.

Trên đảo, người Hà Tĩnh với những “tài lẻ” của mình cũng được gọi với các biệt danh. Binh nhất Lê Đình Hưng - chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn, quê ở Nghi Xuân được gọi là “kỹ sư nông nghiệp" khi anh gây dựng được vườn rau xanh tốt trên đảo.

Hưng chia sẻ: "Trồng rau ở Trường Sa không đơn giản. Đất, nước ngọt, hạt giống rau ở đây quý lắm. Thế nên, món quà chúng tôi trông ngóng nhất từ đất liền chính là đất, chậu nhựa, phân bón, hạt giống… Ở đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ mỗi khi về phép đều mang ít đất, hạt giống ra để tăng gia”.

Cốt cách, khí chất người Hà Tĩnh đã rèn giũa thêm bản lĩnh người chiến sĩ. Tâm hồn người lính Hà Tĩnh ở đây vẫn khoáng đạt, lạc quan, yêu đời và vô cùng tinh tế, sâu sắc. Những phẩm chất đó vốn được hun đúc trên mảnh đất quê hương, nay thêm ngời sáng ở Trường Sa. Tự hào là con em quê hương Hà Tĩnh, ai cũng khắc cốt ghi tâm, đau đáu với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Người Hà Tĩnh ở Trường Sa

Các chiến sĩ Nhà giàn DK1/7 chào tạm biệt đoàn công tác.

Vui vẻ chia sẻ những nỗi niềm nhưng các chiến sĩ quê ở Hà Tĩnh nói riêng, các chiến sĩ ở Trường Sa nói chung lại dặn cánh phóng viên chúng tôi rằng: “Nhà báo đừng viết, chúng tôi quen rồi, thiếu thốn này thấm vào đâu so với cha ông trước đây đi xác lập chủ quyền biển đảo. Là chiến sĩ hải quân, được ra bảo vệ chủ quyền biển đảo là vinh dự và trách nhiệm lớn lao, không dễ gì có được”.

Sóng gió Trường Sa đang ngày đêm trui rèn, làm lan tỏa khí chất người Hà Tĩnh trên những cột mốc sống, bức tường thành vững chắc bảo vệ quần đảo thân thương của Tổ quốc.

(Hòm thư: 5NK- 129, Vinh, Nghệ An)

Chủ đề Biển đông

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.