Video: Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ việc người dân về quê tự phát
Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 14 ngày đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam; vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương đang thực hiện giãn cách không được rời địa bàn.
Theo ghi nhận của Báo Hà Tĩnh tại chốt kiểm soát giao thông đường bộ phòng, chống dịch COVID-19 ở Km 590+400 trên QL1, đoạn qua xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau khi các tỉnh, thành phía Nam siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội, những ngày đầu tháng 8, số lượng công dân Hà Tĩnh sử dụng phương tiện cá nhân trở về quê vẫn còn nhiều.
Số lượng người từ các địa phương phía Nam về Hà Tĩnh Từ 6h ngày 1/8 tới 6h ngày 2/8: 1.469 người. Từ 6h ngày 2/8 tới 6h ngày 3/8: 741 người. Từ 6h ngày 3/8 tới 6h ngày 4/8: 796 người. |
Theo lý giải của Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - phụ trách chốt kiểm soát, số bà con này đã rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từ trước khi các địa phương siết chặt việc giãn cách xã hội (trước 0h ngày 1/8) và thời gian di chuyển quãng đường 1.300 km để về quê thường mất 3 ngày, 2 đêm.
Nhiều khả năng từ ngày 4/8 trở đi, số lượng công dân Hà Tĩnh về quê sẽ giảm dần. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương đã kiểm soát người dân không được rời khỏi địa bàn và một số tỉnh đang tổ chức đưa công dân về quê theo nguyện vọng bằng các phương tiện khác.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh - Nhân viên Trạm Y tế phường Kỳ Thịnh (TX Kỳ Anh), việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân trở về quê từ vùng dịch một cách tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Người trở về quê thường đi theo hội, nhóm và trong quá trình di chuyển sẽ phải dừng lại để nghỉ ngơi, ăn uống. Những lúc này, họ thường cởi bỏ khẩu trang nói chuyện và không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thực tế cũng đã chứng minh, từ ngày 22/7 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 22 ca F0 là những người tự về từ vùng đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg bằng ô tô, xe máy. Con số này có thể còn tăng lên trong những ngày tới bởi lượng người tự về quê từ vùng dịch rất lớn. Và khi có ca dương tính thì việc truy vết các F1, F2 là rất khó khăn, gây nguy cơ cao dịch lây lan ra cộng đồng.
Còn theo Trung tá Hà Huy Minh - Đội CSGT phía Nam thì quãng đường từ các tỉnh phía Nam về Hà Tĩnh lên tới 1.300 km, việc chạy xe máy rất dễ dẫn tới các tai nạn đáng tiếc, đặc biệt là khi người dân gần như phải di chuyển suốt hành trình, không được nghỉ ngơi. Trong ảnh: Anh Trần Văn Vin (SN 2001, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) bị ngã xe máy khi di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh.
“Di chuyển quãng đường 1.300 km từ TP Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh vất vả, nguy hiểm. Đường xa nên phải cố chạy nhưng ban ngày thời tiết nóng cũng không chạy được nhiều, chúng tôi chủ yếu di chuyển vào buổi đêm mà đường quốc lộ 1 nên rất nhiều xe, ai không cẩn thận có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào”, anh Trần Danh Đức (SN 1994, quê ở phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Với số lượng người dân tự về quê từ vùng có dịch lớn, thời gian qua, lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch ở cửa ngõ phía Nam Hà Tĩnh đã phải căng mình làm việc suốt ngày đêm, đảm bảo không bỏ sót bất cứ trường hợp nào.
Dù điều kiện làm việc, nơi ăn nghỉ còn nhiều thiếu thốn nhưng các lực lượng (Phòng CSGT, Thanh tra Giao thông, cán bộ y tế, đoàn viên thanh niên, công an địa phương...) luôn túc trực 24/24h.
Trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh trong chuyến kiểm tra chốt kiểm soát giao thông đường bộ phòng, chống dịch COVID-19 ở cửa ngõ phía Nam Hà Tĩnh vào chiều 3/8, Đại tá Lê Khắc Thuyết - Giám đốc Công an tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng làm việc tại chốt.
Đại tá Lê Khắc Thuyết cho rằng thời gian tới, lượng người dân trở về quê từ vùng có dịch có thể giảm xuống nhưng các lực lượng tại chốt kiểm soát vẫn phải luôn túc trực 24/24h với tinh thần cao nhất để kiểm tra, kiểm soát tất cả các phương tiện ra vào Hà Tĩnh.