Ông Hưng là điển hình trong phong trào CCB làm theo lời Bác.
Trong ngôi nhà giản dị ở thôn Đình, CCB Trần Văn Hưng luôn dành vị trí trang trọng nhất để lưu giữ những kỷ vật thời chiến. Một bức ảnh đã ố vàng theo năm tháng, những bằng khen, hay chỉ là những quyển tạp chí xây dựng Đảng đã cũ… Chỉ giản đơn vậy thôi, song nó luôn nhắc ông nhớ về một miền ký ức xanh thẳm…
Còn nhớ, năm 1953, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Lúc đầu, ông được biên chế về E53, Trung đoàn Độc Lập, sau đó, chuyển sang làm trợ lý quân lực ở E367, Trung đoàn 214, đơn vị pháo cao xạ. Vốn có trình độ học vấn nên ngoài công việc chính của mình, ông còn đảm nhiệm việc dạy bổ túc văn hóa 1 tuần 3 buổi cho các chiến sĩ trong đơn vị.
Đến năm 1960, ông được cấp trên cử đi học chuyên sâu 4 năm về kỹ thuật thông tin ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đến năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp thông tin, ông được cử về công tác tại Phòng Kỹ thuật thông tin, Quân khu 4, sau đó, vừa phụ trách phân xưởng thông tin ở Quân khu, vừa kiêm nhiệm vai trò đào tạo các chiến sĩ trẻ.
Đặc biệt hơn, trong cuộc đời quân ngũ, ông đã 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là vào năm 1958, tại Hải Phòng, khi Bác đến thăm và nói chuyện với lớp đảng viên mới. Lần thứ hai là vào năm 1960, lúc ông đang học tại Trường Văn hóa Lạng Sơn. CCB Trần Văn Hưng tâm sự: “Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ 2 lần gặp ấy, song từng cử chỉ, lời nói cùng nụ cười hiền từ, ấm áp của Người vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Đặc biệt, lời dặn dò của Bác: Người cán bộ phải thật sự gương mẫu để chiến sĩ noi theo đã trở thành “cẩm nang” quý giá tôi mang theo suốt cuộc đời”.
27 năm trong quân ngũ, dù là khi làm trợ lý quân lực hay phân xưởng trưởng phân xưởng thông tin kiêm giáo viên ở Quân khu 4… ông đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trở về đời thường, tuổi đã cao, sức đã yếu, song, với trách nhiệm của người quân nhân, ông vẫn tham gia các hoạt động của địa phương. Đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, thành lập “dòng họ khuyến học”, đồng thời quan tâm, giúp đỡ gia đình đồng đội gặp khó khăn, vận động bà con đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới.
Ông Đinh Công Danh - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Đình cho biết: “Không chỉ tích cực tham gia phong trào hội và công tác dân vận, ông Hưng còn là điển hình trong phong trào CCB làm theo lời Bác. Trước đây, 3 sào vườn của ông chủ yếu là cây tạp, không có giá trị kinh tế. Song gần chục năm nay, ông đã tiến hành cải tạo, trồng cỏ để nuôi hươu, thỏ và từng bước quy hoạch để trồng các loại cây ăn quả như bưởi, chanh cùng các loại rau sạch phục vụ cho nhu cầu của thị trường.
Đất không phụ công người. Giờ đây, người lính già đã thực hiện được tâm huyết của mình: làm giàu ngay trên chính quê hương. Dẫu so với nhiều mô hình trong thôn, trong xã thì mức thu nhập 40-50 triệu đồng mỗi năm chưa phải là lớn, song đó chính là thành quả mà ông Hưng gặt hái được sau bao năm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình và cũng mở đường cho con cháu học tập, noi theo.