Người tiêu dùng Hà Tĩnh tìm cách chi tiêu tiết kiệm

(Baohatinh.vn) - Giá xăng dầu liên tiếp “leo thang” đã đẩy giá nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm ở Hà Tĩnh tăng cao. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều người dân thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm để đảm bảo sinh hoạt gia đình.

Trước đây, chị Nguyễn Thị Mai (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) có thói quen đi chợ mỗi sáng để mua rau và thực phẩm. Vài tuần trở lại đây, 3 ngày chị mới đi chợ và chỉ mua những thứ cần thiết. Theo chị Mai, việc giảm số lần đi chợ vừa tiết kiệm tiền vừa góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Người tiêu dùng Hà Tĩnh tìm cách chi tiêu tiết kiệm

Chị Nguyễn Thị Mai (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) ưu tiên lựa chọn những loại rau đúng với mùa vụ.

“Để thích ứng với điều kiện hiện nay, tôi đã tính toán các khoản chi tiêu bằng việc chỉ chọn mua các loại cá, rau, củ, quả đang vào vụ, có giá rẻ, tuyệt đối không mua những đồ dùng, vật dụng chưa thật cần thiết. Mặt khác, tôi cũng lựa chọn các loại củ quả (su su, bí đỏ, ngô, khoai tây…) có giá hợp lý hơn để thay thế cho rau xanh đang tăng giá khá cao hiện nay” - chị Mai cho biết.

Còn chị Lê Thị Hương (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) lại lựa chọn chuyển sang đi chợ đầu mối Bình Hương (TP Hà Tĩnh) thay vì mua ở các quầy, chợ bán lẻ như trước để tiết kiệm chi tiêu. “Rau ở chợ đầu mối rẻ hơn được một nửa so với mua chợ, các sạp bán lẻ. Tôi thường đi chợ vào chủ nhật, mua thức ăn cho cả tuần. Cách chi tiêu này giúp tôi tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng mỗi tháng chứ không ít” - chị Hương cho hay.

Không nằm ngoài tâm lý chung, chị Nguyễn Thị Mỹ (phường Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh), gia đình có hai con nhỏ chia sẻ: “Vài tuần trở lại đây, gia đình ưu tiên tiêu dùng thực phẩm tươi sống tại các hệ thống siêu thị, vừa uy tín lại được khuyến mãi, giảm giá".

Người tiêu dùng Hà Tĩnh tìm cách chi tiêu tiết kiệm

Nhiều chị em nội trợ tin tưởng lựa chọn mua sắm tại các siêu thị trong thời buổi giá cả leo thang.

Hiện nay, do ảnh hưởng của giá xăng tăng, các mặt hàng như: rau xanh, hải sản... đã thiết lập mức giá mới, tăng cao hơn so với trước đây. Theo khảo sát ở các chợ, một số mặt hàng hải sản như: tôm, mực, cá thu đều tăng khoảng 30% so với trước. Cụ thể: tôm biển có giá từ 450.000 - 490.000 đồng/kg, mực 360.000 - 390.000 đồng/kg, cá thu 300.000 - 350.000 đồng/kg. Các loại rau ăn lá như: rau cải, rau khoai lang cũng tăng 40 - 50% so với thời điểm trước tết Nguyên đán, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/bó.

Thích ứng với điều kiện mới, các bà nội trợ cũng tìm cách “rút hầu bao” hợp lý nhất, vừa có thực phẩm sử dụng, vừa có giá cả hợp lý. Không chỉ chị em, các “đấng mày râu” cũng “mách nước” cho nhau cách thức tiết kiệm chi tiêu, nhất là mặt hàng xăng dầu.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (thị trấn Thạch Hà), làm nghề chuyển phát hàng hoá trong nội thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ khi giá xăng tăng cao, tôi chuyển sang dùng xe máy có chế độ tiết kiệm xăng. Nếu như lúc trước cứ 3 ngày tôi đổ hết 50.000 đồng tiền xăng thì nay phải hơn một tuần bình xăng mới cạn. Tôi thấy tiết kiệm nhiên liệu đáng kể. Ngoài ra, trong quá trình giao hàng, tôi chủ động gộp đơn hàng có cùng tuyến đường với nhau để di chuyển thuận tiện, tránh gây lãng phí nhiên liệu do chạy đi nhiều lần”.

Người tiêu dùng Hà Tĩnh tìm cách chi tiêu tiết kiệm

Anh Nguyễn Huy Hoàng (thị trấn Thạch Hà) tiết kiệm nhiên liệu nhờ vào những thay đổi lịch trình và phương tiện cá nhân.

Tương tự, anh Nguyễn Khắc Vỹ (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) thường xuyên sử dụng xe ô tô cá nhân đi làm cho hay: “Mỗi loại xe sẽ phù hợp với những loại xăng khác nhau. Việc đổ đúng loại xăng sẽ giúp xe tiết kiệm năng lượng đáng kể. Bên cạnh đó thì sau khi đổ xăng, mình cần đóng chặt nắp tránh rò rỉ, bay hơi nhiên liệu”.

Trong khi đó, các đơn vị cung ứng hàng hóa cũng chủ động phương án kinh doanh đảm bảo lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Trần Đình Chung - Phụ trách marketing Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Với thế mạnh có mạng lưới phân phối rộng cùng nguồn hàng dự trữ khá ổn định, hệ thống Co.opmart đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, tung ra những chương trình bình ổn giá, khuyến mãi luân phiên. Ước tính, hiện có khoảng 2.000 mã sản phẩm tiêu dùng nhanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang - may mặc, dụng cụ nhà bếp - hàng gia dụng... đang được hệ thống Co.opmart luân phiên bán giảm giá với mức giảm từ 10 - 50%”.

Hệ thống siêu thị Vinmart Hà Tĩnh cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Ông Võ Công Hải - Giám đốc Siêu thị Vinmart Hà Tĩnh thông tin: “Chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ luôn đảm bảo cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ”.

Người tiêu dùng Hà Tĩnh tìm cách chi tiêu tiết kiệm

Người tiêu dùng đang dần thích nghi với chi tiêu khi giá xăng dầu tăng cao.

Trong số các mặt hàng thiết yếu, giá xăng dầu đang là quan tâm lớn nhất của người dân. Những dự báo về sự tăng giá có thể chưa dừng lại, song, hầu hết doanh nghiêp trên địa bàn Hà Tĩnh đều khẳng định sẽ không có hiện tượng “găm hàng, chờ giá”.

Ông Trịnh Văn Minh - Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 01 (Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh) thông tin: "Nhân viên cửa hàng luôn thực hiện đúng thao tác khi bơm xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi có hệ thống giám sát giúp quản lý, hạn chế tối đa tình trạng gian lận xăng dầu”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.