19 năm trước, cô bé mồ côi Nguyễn Thị Cẩm Ly (xã Phúc Trạch - Hương Khê) cùng 2 người anh em của mình đã được gửi vào Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh nuôi dưỡng và chăm sóc. Sau thời gian dài được sống trong tình thương yêu của những tấm lòng nhân ái, Cẩm Ly đã vượt lên chính mình, sống tích cực, hướng thiện.
Và bây giờ, Cẩm Ly đã trở thành một cán bộ cốt cán, một giáo viên đứng lớp truyền dạy kiến thức và truyền tình yêu, nghị lực sống cho những em nhỏ bất hạnh ngay chính nơi đã đùm bọc, che chở cho cô từ thuở ấu thơ.
Cẩm Ly trở về nơi đã bao bọc, che chở mình để trở thành một cô giáo dạy dỗ, truyền niềm tin, nghị lực sống cho những đưa trẻ kém may mắn
Ở Làng trẻ em mồ côi, Cẩm Ly không chỉ đảm nhận việc chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi mà còn cả giáo dục trẻ khuyết tật. Công việc nào cũng vất vả nhưng bằng sự thấu hiểu, tình yêu thương sâu sắc những mảnh đời bất hạnh, Cẩm Ly đã nhen nhóm ý tưởng đưa mô hình giáo dục đặc biệt vào áp dụng tại làng trẻ.
Sau khóa học 2 năm chuyên ngành sư phạm đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ly đã đặt những viên gạch đầu tiên cho chương trình giáo dục trẻ khuyết tật, đặc biệt ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Hơn 2 năm đi vào hoạt động, chương trình bước đầu có những thành công nhất định, tạo dựng được niềm tin cho những phụ huynh tìm đến gửi con.
Cẩm Ly đã đặt nền móng cho chương trình giáo dục đặc biệt ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh
Cẩm Ly cho biết: “Khi đề xuất ý tưởng, tôi không nhận được sự đồng thuận từ mọi người, hầu hết đều phản đối, can ngăn bởi ai cũng cho rằng, đó là một lựa chọn vô cùng khó khăn, đầy thử thách”.
Sau thành công của ý tưởng giáo dục, dù rất bận rộn nhưng Cẩm Ly vẫn nỗ lực sắp xếp thời gian để tham gia hoạt động thiện nguyện. Những chương trình dành cho trẻ em nghèo, những chuyến thiện nguyện mang hạnh phúc đến cho những mảnh đời bất hạnh là hành trình mà Ly đã và đang theo đuổi.
Ly tâm sự: “Nhiều cơ hội việc làm đến với tôi nhưng tôi từ chối. Với tôi, nơi đây là nhà, là nơi tôi gắn bó và quay về để được cống hiến sức trẻ, được đền đáp công ơn. Tôi chỉ ước có thật nhiều sức khỏe, thời gian để chăm sóc tốt hơn cho gia đình và để lại “dấu ấn” trên những chặng đường mình đã đi qua”.
Công việc chuyên môn bận rộn và vất vả nhưng Cẩm Ly vẫn hết mình với công tác thiện nguyện
Cũng như Cẩm Ly, bác sỹ Nguyễn Xuân Hà (Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh) được giới trẻ Hà Tĩnh biết đến là một bác sỹ nhân ái và đầy hoài bão. Sinh năm 1988, anh hiện là một trong những bác sỹ trẻ tuổi nhất của Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh. Được đào tạo và trưởng thành từ môi trường y tế dự phòng nên khi đến với công việc điều trị bệnh nhân tâm thần, bác sỹ Hà không tránh khỏi những bỡ ngỡ.
Đã quen với “dập dịch, vắc-xin, tiêm chủng” nên khi tiếp xúc với môi trường mới thiên về điều trị đòi hỏi bác sỹ Hà phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài hoàn thành khóa học về chuyên khoa thần kinh, bác sỹ Hà còn phải tự học kỹ năng chăm sóc bệnh nhân. Và chính công việc mới đã mang đến cho bác sỹ Hà nguồn cảm hứng mới, tâm huyết mới với công việc.
Niềm đam mê là động lực để bác sỹ Nguyễn Xuân Hà tiếp tục học tập và cống hiến
Bác sỹ Hà chia sẻ: “Nếu như không có tâm, không tự hình thành nên lý tưởng sống cho mình thì việc tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân tâm thần sẽ khiến tôi mệt mỏi và chán nản. Tuy nhiên, khi mình yêu thương bệnh nhân thật lòng thì sẽ tìm được phương pháp tiếp cận và điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng chính là cơ sở để tôi tiếp tục học tập, nghiên cứu và cống hiến cho nghề nghiệp của mình nhiều hơn trong tương lai”.
Ngoài công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, bác sỹ Hà còn hoàn thành xuất sắc vai trò quản lý
Có lý tưởng sống của riêng mình nên chàng trai trẻ Lê Văn Tuấn (SN 1991) - Giám đốc Công ty Vệ sinh nhà sạch - TP Hà Tĩnh) đã chọn cho mình một lối đi nhiều chông gai mà ít ai dám chọn. Đang là sinh viên ngành giao thông vận tải, Tuấn nhận thấy đây không phải là con đường phù hợp với mình nên quyết định bỏ học để kinh doanh.
Quyết là làm, Tuấn khăn gói ra Hà Nội tìm học nghề lau dọn vệ sinh nhà dân dụng và năm 2015, anh đã tiên phong khai thác thị trường Hà Tĩnh. “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi rủ cậu bạn thân, mấy bà hàng xóm đi cùng. Lúc ấy chỉ mình tôi biết việc, còn các “đồng nghiệp” của tôi gần như chưa biết gì, chỉ làm theo kinh nghiệm. Cả đội chỉ dám nhận lau dọn những công trình dân dụng đơn giản với dụng cụ, đồ nghề thô sơ” - Tuấn chia sẻ.
Thời điểm đó, ở Hà Tĩnh, khái niệm vệ sinh nhà cửa, văn phòng vẫn còn khá mới mẻ. Đã có một số đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này nhưng không thành công. Tuấn cho biết, anh đã phải mất nửa năm đầu bù lỗ để trả lương và đào tạo bài bản tay nghề, kỹ năng giao tiếp khách hàng cho công nhân.
Chọn cho mình con đường chông gai, thử thách nhưng Lê Văn Tuấn đã khẳng định được bản thân và cho thấy lựa chọn của anh là sáng suốt
Không phụ công chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm, những đồng nghiệp của Tuấn đã cùng anh chiếm lĩnh thị trường vệ sinh công nghiệp ở Hà Tĩnh. Hiện, công ty của Tuấn là thành viên của Hiệp hội Vệ sinh công nghiệp Việt Nam và Tuấn là người trẻ tuổi nhất trong danh sách những “ông chủ” doanh nghiệp của hiệp hội.
Khi bạn bè theo đuổi giấc mơ đại học thì Lê Văn Tuấn đã chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác, một ngả rẽ nhiều thử thách, chông gai hơn. Nhưng khi không ít người cùng trang lứa với tấm bằng đại học, cao đẳng trên tay đang loay hoay tìm cho mình một công việc phù hợp thì Tuấn đã có trong tay sự nghiệp mà nhiều người mơ ước. Tuấn có lẽ là minh chứng rõ nhất cho câu nói “đại học không phải là con đường duy nhất đi tới thành công”.
Thành công của Tuấn hôm nay là kết quả từ sự dám nghĩ, dám làm của một người trẻ có đam mê
Trong khi, một bộ phận người trẻ sống hờ hững với thế giới xung quanh, ích kỷ trong những nhu cầu cá nhân thì xã hội cũng có rất nhiều người trẻ tự lựa chọn cách sống, tự xây dựng lý tưởng sống cao đẹp của mình. Những lý tưởng cao đẹp đó không chỉ đã làm đẹp cuộc đời của chính họ mà còn tô đậm những giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội. Và ít nhiều, lý tưởng sống ấy cũng có những tác động tích cực, làm thay đổi suy nghĩ và mục đích sống của giới trẻ.