Người Việt chật vật trong giá rét kỷ lục ở Nhật, Hàn

Nhiều gia đình Việt ở Hàn Quốc, Nhật Bản khổ sở khi đường ống nước đóng băng, chi phí sưởi ấm tăng vọt giữa đợt lạnh giá kỷ lục tấn công Đông Bắc Á.

Các nước Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, từ tuần trước hứng chịu đợt giá rét kỷ lục, khi nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua kết hợp với bão tuyết gây rối loạn giao thông và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

“Bão tuyết khiến nhiều chuyến bay bị hủy, xe cộ luôn phải bật đèn và di chuyển ở tốc độ rất chậm, khi tầm nhìn chỉ dưới một mét”, Nguyễn Thị Bích Ngân, phiên dịch viên 28 tuổi sống tại thành phố Sapporo, tỉnh cực bắc Hokkaido của Nhật Bản, nói với VnExpress .

Giao thông trên khắp nước Nhật rơi vào hỗn loạn tuần trước, khi thời tiết lạnh giá khắc nghiệt tấn công, khiến 46 trên 47 tỉnh thành ghi nhận mức nhiệt âm độ vào ngày 25/1. Không chỉ ngành hàng không bị ảnh hưởng, nhiều chuyến tàu cao tốc Shinkansen và tàu điện địa phương cũng bị gián đoạn.

Đợt giá rét trở nên tồi tệ hơn vì gió lớn. Cơ quan khí tượng ở Rausu, Hokkaido, có lúc ghi nhận vận tốc gió hơn 130 km/h. “Rất lạnh, tuyết kèm gió lớn hình thành bão tuyết, nhiệt độ luôn dưới -10 độ C”, chị Ngân nói.

Tại tỉnh Nara, phía nam Nhật Bản, Quỳnh, nhân viên văn phòng 32 tuổi, cho biết khu vực cô ở thường không hay có tuyết vào mùa đông, nhưng đợt lạnh bất thường năm nay khiến tuyết rơi tới hai tuần, khiến mọi hoạt động trở nên khó khăn hơn.

“Tôi thường đi làm sớm bằng xe đạp, nhưng mặt đường đóng băng rất trơn trượt, các phương tiện đều phải đi chậm”, Quỳnh, người đã làm việc ở Nara 8 năm, chia sẻ.

Người Việt chật vật trong giá rét kỷ lục ở Nhật, Hàn

Người dân Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản đi bộ dưới tuyết ngày 26/1. Ảnh: AFP .

Lạnh giá bất thường kết hợp với gió lớn dễ gây sốc nhiệt, buộc Quỳnh phải thường xuyên bật máy sưởi, khiến hóa đơn năng lượng tăng cao. Chi phí sưởi ấm vọt lên không chỉ do lạnh kéo dài, mà bởi quyết định tăng giá từ chính phủ Nhật.

Hải, sinh viên 24 tuổi ở Saitama, Nhật Bản, cũng phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba tiền khí đốt để sưởi ấm, dù anh chỉ ở một mình. “Tiền khí đốt vào mùa thu cao nhất khoảng 4.000 yen (31 USD). Nhưng đến mùa đông, dù tôi tiết kiệm đến mấy, hóa đơn không khi nào dưới 10.000 yen”, Hải nói.

Anh giải thích rằng nhiều khu trọ ở vùng nông thôn Nhật được xây bằng tường thạch cao rất mỏng, cách nhiệt kém, nên nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng rất lạnh, không thể không dùng máy sưởi. Để đối phó với đợt lạnh giá kỷ lục, Hải đã đóng kín toàn bộ cửa sổ, khiến trong nhà “không một chút ánh sáng”, đồng thời tăng cường mua thực phẩm cay nóng.

Quỳnh cũng phải áp dụng các biện pháp chống rét tạm thời như dán xốp bạc cách nhiệt lên cửa kính, trải dưới thảm, đặt một máy sưởi công suất nhỏ trước cửa phòng tắm để tránh sốc nhiệt.

Để tiết kiệm, cô tranh thủ hong khô quần áo mới giặt khi bật máy sưởi lúc ngủ, điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh không quá thấp vì “độ tươi thức ăn không bị ảnh hưởng nhiều trong mùa này”.

Người Việt chật vật trong giá rét kỷ lục ở Nhật, Hàn

Hàng dài xe tải nối đuôi nhau trên tuyến cao tốc Shin-meishin ở thành phố Suzuka, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 25/1. Ảnh: AFP .

Nhiều người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc cũng đối mặt với tình cảnh chật vật tương tự trong đợt lạnh kỷ lục.

Cao Bá Long, 24 tuổi, sinh viên sống 5 năm tại thành phố Gyeongju, miền trung Hàn Quốc, cho biết mùa đông năm nay đến sớm hơn mọi năm và thời tiết lạnh giá cũng kéo dài hơn.

“Nhiệt độ thấp nhất năm ngoái khoảng -7 đến -9 độ C, năm nay giảm sâu từ -10 đến -15 độ C, thậm chí -17 độ C. Tôi mặc thật ấm khi đi làm, về tới nhà là phải bật hệ thống sưởi”, Long nói.

Thời tiết âm độ kéo dài khiến gia đình Vân Giang ở Seoul khổ sở vì tình trạng đường ống nước trong nhà vệ sinh bị đóng băng, gây bất tiện rất lớn.

“Chúng tôi phải dùng nước sôi, máy sấy tóc hướng thẳng vào đường ống đóng băng để khắc phục, có hôm cả gia đình phải xin nhờ tắm giặt nhà hàng xóm. Bồn cầu trong nhà vệ sinh ở công ty cũng đóng băng, phải đổ nước sôi đợi đá tan mới sử dụng được”, chị Giang chia sẻ.

Gia đình chị phải mở các vòi nước chảy nhỏ giọt để tránh tình trạng đóng băng đường ống, đồng thời áp dụng mọi biện pháp chống rét có thể như dán các miếng cách nhiệt trong nhà. “Không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của những người lao động ngoài trời trong những ngày này”, chị nói.

Người Việt chật vật trong giá rét kỷ lục ở Nhật, Hàn

Một người dân xúc tuyết dọn đường cho ôtô trên đảo Ulleung, huyện Uljin, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc ngày 27/1. Ảnh: Yonhap .

Cao Bá Long cho biết chính phủ Hàn Quốc thường trợ giá khí đốt để người dân dùng sưởi thoải mái hơn trong mùa lạnh, nhưng năm nay lại tăng giá, khiến hóa đơn sưởi “tăng gần như gấp đôi”. Ngoài năng lượng, giá cả mọi mặt hàng đều tăng, nên mọi người đều cố gắng tiết kiệm.

Tại Gyeonggi, tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc, Hải Yến, 25 tuổi, cho hay tiền khí đốt để nấu ăn và sưởi ấm vào mùa đông hàng năm khoảng 250.000-300.000 won (204-244 USD) cho căn nhà ba người ở.

“Nhưng năm nay quá lạnh, cộng với đợt tăng giá khí đốt của chính phủ, nên chúng tôi dự tính hóa đơn tháng tới có thể lên tới 600.000 won (khoảng 500 USD)”, chị Yến nói, lưu ý các thành viên trong nhà đã áp dụng nhiều biện pháp chống rét, tiết kiệm khác nhau để hạn chế dùng khí đốt.

“Mùa đông đúng là nỗi ám ảnh. Hai vợ chồng có thể chịu rét, nhưng không thể không bật hệ thống sưởi khi con cái ở nhà trong kỳ nghỉ đông”, chị Giang ở Seoul nói, cho hay đang tính đến phương án mà nhiều gia đình Hàn Quốc đang áp dụng là mua lều cắm trại dựng trong nhà để tránh rét.

Theo VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.