Nguồn sáng niềm tin

(Baohatinh.vn) - Mong mỏi thiết tha nhất của Bác Hồ là Hà Tĩnh phải nổi bật lên, có thể nổi bật lên ở phương diện con người, trước hết là người cán bộ, người lãnh đạo, vì con người Hà Tĩnh vốn đã có tố chất...

Bước đầu ngoạn mục

Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ, đất không rộng, dân không đông. Hà Tĩnh mới được đứng tư cách là một tỉnh riêng vào năm 1831 khi vua Minh Mạng chia đôi trấn Nghệ An, lấy sông Lam làm ranh giới. Vào năm 1976 lại sáp nhập vào nhau một lần nữa; 15 năm sau - năm 1991, chia thành Nghệ An, Hà Tĩnh như ngày nay.

Nguồn sáng niềm tin

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen trong dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh: Tư liệu

Nhiều người ví 15 năm nhập tỉnh như 15 năm lưu lạc của nàng Kiều, nhưng là người được trò chuyện, phỏng vấn nhiều Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh hồi đó và sau này, tôi biết khi chia tỉnh, Hà Tĩnh vẫn được ưu tiên đầu tư, theo truyền thống gia đình là lo cho em trước, anh sau. Ví dụ tiêu biểu, cảm động nhất là việc xây hồ Kẻ Gỗ. Hàng vạn nông dân Nghệ An đã vác gạo, xách khoai vào Cẩm Xuyên đi xây hồ Kẻ Gỗ, một công trình thủy lợi lớn vào hàng nhất nước lúc đó, khởi công ngày 26/3/1976. Lại có những cán bộ người Nghệ An xung phong vào xây dựng Hà Tĩnh và có nhiều đóng góp như anh Lê Duy Phương, sau này là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và là một nhà thơ nổi tiếng...

Tôi không bao giờ quên được tình cảm, ý chí vô song của những cán bộ lớp đầu chia tỉnh như các bác: Trần Quốc Thại, Nguyễn Quốc Lựu, Trần Quốc Ban, Lê Thể; các anh: Đặng Duy Báu, Nguyễn Ký, Nguyễn Lương Dần, Nguyễn Văn Mạo, Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Tiến Tuẩn, Đào Văn Tinh, Trần Đình Đàn, Đinh Nho Liêm, Xuân Hoài, Trần Nhật Tiến, Dương Hữu Giáo, Trần Thanh Bình...; các anh: Ngô Đức Huy, Hà Văn Thạch, Nguyễn Thiện, Đặng Quốc Vinh... là những người xây dựng nền tảng cho một Hà Tĩnh mới trong khát vọng tự cường, những người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Nguồn sáng niềm tin

Sự phát triển của Hà Tĩnh hôm nay có thể coi đó là một sự nỗ lực lớn của toàn dân, trên cơ sở những quyết sách và giải pháp đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo tỉnh đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/2/2024.

Nền tảng đó được bồi đắp không ngừng, đến thế hệ trẻ lãnh đạo hôm nay đã đưa Hà Tĩnh đến một bước phát triển đáng tự hào: Từ một tỉnh áp chót về kinh tế, trong vòng 32 năm đã vươn lên tốp giữa. Năm 2023, dù dư âm của dịch bệnh, dù xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas diễn ra gay gắt, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, ảnh hưởng nặng nề cho cả nền kinh tế thế giới, Hà Tĩnh vẫn đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao 8,05%. Có thể coi đó là một sự nỗ lực lớn của toàn dân, trên cơ sở những quyết sách và giải pháp đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo.

Kinh tế vẫn còn “thường thường bậc trung”, nhưng con người thì đã có sự hội nhập sâu rộng với trình độ ngoại ngữ, tin học, tầm nhìn, tầm nghĩ; với những chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo tỉnh ngày càng thực tế hơn, bổ ích hơn để học hỏi, kết nối, xúc tiến đầu tư...

Làm thế nào cho Hà Tĩnh nổi bật lên?

Trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây hay cách mạng từ ngày có Đảng, Hà Tĩnh là một ngọn cờ đầu. Tinh thần, khí phách đó được thể hiện trong hai câu thơ đầy cảm khái của Đặng Dung: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma (Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc/ Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà)”.

Nguồn sáng niềm tin

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng tặng quà ông Nguyễn Văn Sở - thương binh 2/4, bị nhiễm chất độc hóa học ở thôn Yên Bình - xã Quang Lộc (Can Lộc).

Tinh thần đó được thể hiện bằng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bằng việc nhiều huyện của Hà Tĩnh giành được chính quyền cách mạng sớm nhất cả nước (16/8/1945); bằng quê hương của hai Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; bằng những địa chỉ đỏ như Ngã ba Đồng Lộc. Danh nhân, hào kiệt người Hà Tĩnh đời nào cũng có. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông... xưa là những con người khổng lồ, hiếm có, tỏa bóng cho cả thế giới trong nhiều thời đại. Thời kỳ hiện đại, những Hoàng Xuân Hãn, Võ Liêm Sơn, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Võ Quý... đều là những con người mang tầm vóc quốc tế.

Sau Cách mạng tháng Tám, Cẩm Xuyên là huyện dẫn đầu cả nước về xóa nạn mù chữ được Bác Hồ gửi thư khen vào ngày 15/11/1948. Ngày 15/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện gửi toàn thể đồng bào tỉnh Hà Tĩnh: “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong cả nước”. Đồng thời, Bác đã ký quyết định tặng thưởng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh Huân chương Độc lập hạng Nhì - huân chương cao nhất lúc bấy giờ.

Nguồn sáng niềm tin

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển giàu mạnh, văn minh.

Xưa nay, Hà Tĩnh đã rất nổi bật về tinh thần yêu nước và hiếu học. Ngày 6/7/1966, khi tiếp đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp đoàn đi học làm lúa ở Thái Bình về, Bác tha thiết căn dặn và hỏi dồn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên... Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”...

Như vậy, mong mỏi thiết tha nhất của Bác Hồ là Hà Tĩnh phải nổi bật lên, có thể nổi bật lên ở phương diện con người, trước hết là người cán bộ, người lãnh đạo. Vì con người Hà Tĩnh vốn đã có tố chất. Theo tôi, đây là điểm mấu chốt nhất. Làm tốt điều này thì không lo kinh tế, xã hội, văn hóa không lên. Vì người Hà Tĩnh đã có truyền thống. Bác Hồ nói điều này trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc về người Hà Tĩnh. Từ tuổi ấu thơ, Người theo cha vào Hà Tĩnh, gặp người Hà Tĩnh ở triều đình Huế. Bác hiểu người Hà Tĩnh một cách sâu sắc trên bước đường hoạt động cách mạng, bồi dưỡng cho Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng và nhiều thanh, thiếu niên yêu nước khác.

Cụ Võ Liêm Sơn, người Thiên Lộc (Can Lộc), hơn Bác 2 tuổi, có bằng Cử nhân Hán học, Thành chung Tây học, từng làm Tri huyện Duy Xuyên, Giáo thụ Ninh Thuận, Phú Yên, thầy học và là người đưa Võ Nguyên Giáp vào con đường cách mạng, đã được Bác Hồ cung kính như bậc tiền bối, mời làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, một con người long lanh trong thơ Bác: “Thờ dân tròn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/ Cụ đến tôi mừng rỡ/ Cụ đi tôi nhớ nhung”...

Một vị cách mạng tiền bối người Hà Tĩnh khác là cụ Trần Hữu Duyệt (1906-1986), người Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên). Năm 1927, cụ đã là đảng viên Tân Việt - một tổ chức tiền thân của Đảng, bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Cụ cùng Ngô Đức Đệ (xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, Can Lộc), là những người sớm nhất gieo mầm cách mạng ở Tây Nguyên, từng giữ nhiều chức vụ như Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa, Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau trước vẫn giữ một lòng thanh sạch, phân công việc gì cũng không nề hà nêu gương:

Cử nghĩa hùng tâm khinh đỉnh hoạch

Trì dân, bảo đức đối giang sơn

(Hùng tâm vì nghĩa không màng lợi

Lo dân, giữ đức, với giang sơn).

Tôi lại nhớ tới ông Nguyễn Xuân Linh và ông Nguyễn Tiến Chương. Hai nhà lãnh đạo không nhiều bằng cấp, không xuất chúng nhưng có đức độ, gương mẫu, trung tâm đoàn kết, có xung quanh một đội ngũ sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn nên Hà Tĩnh đã đạt được những chiến tích thần kỳ trong kháng chiến chống Mỹ.

Nguồn sáng niềm tin

Tôi gửi một tình yêu và hy vọng mãnh liệt ở quê hương Hà Tĩnh của tôi... Ảnh: Tác phẩm "Bến thuyền sông Lam" của tác giả Đặng Thiện Chân (Nghi Xuân).

Làm thế nào để Hà Tĩnh nổi bật lên? Đó là người đứng đầu. Trên Báo Nhân Dân số 1, ngày 11/3/1951, đồng chí Trường Chinh đã viết về Bác Hồ, về vai trò cá nhân trong lịch sử như sau: “Chúng ta lập được thành tích cách mạng như ngày nay là nhờ biết bao đồng chí, biết bao chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng, biết bao đảng viên và quần chúng đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Song một phần quan trọng là nhờ công lao vĩ đại của Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta”.

Nguồn sáng không chỉ ở phía chân trời. Nguồn sáng trong niềm tin khoa học và quyết tâm thực hiện lý tưởng của con người. Tôi gửi một tình yêu và hy vọng mãnh liệt ở quê hương Hà Tĩnh của tôi, ở những thế hệ lãnh đạo mới, biết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thời gian qua, theo yêu cầu của Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung huy động đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng Bí thư.
Khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII

Khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII

Trong 2 ngày diễn ra kỳ họp (17 - 18/7), HĐND tỉnh tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm; phân tích rõ ưu điểm, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện để từ đó thống nhất, quyết định các giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2024.
Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục định hướng cho Quốc hội không ngừng đổi mới và phát triển

Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục định hướng cho Quốc hội không ngừng đổi mới và phát triển

Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư duy nhất quán, tầm nhìn chiến lược, sâu sắc của đồng chí về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”...
Hiệu quả trong công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Tĩnh

Hiệu quả trong công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Tĩnh

Công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Tĩnh thời gian qua được triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đúng quy định; tạo môi trường giúp cán bộ đào tạo, rèn luyện và từng bước khắc phục khó khăn tại các địa phương, đơn vị.
 Những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

Những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Ngô Minh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Báo cáo viên Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng có cuộc trao đổi về tầm quan trọng và những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW.