Nguồn vốn chính sách giúp nhiều hộ nghèo ở Sơn Trường (Hương Sơn) vay vốn giữ nghề trồng cam truyền thống.
Anh Trần Tống Thân (thôn Tân Hoa, xã Sơn Trường, Hương Sơn) giờ đã thoát nghèo và mở rộng vườn cam của gia đình lên 3 ha. Bây giờ, anh vừa có diện tích thu hoạch, vừa có trồng mới. Tiền thu lợi được, vợ chồng anh đầu tư thêm chăn nuôi nhỏ, lấy ngắn nuôi dài. Đầu năm nay, anh còn sửa sang lại ngôi nhà của mình.
Đó là thành quả nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Vợ chồng anh từ hộ nghèo được tổ tiết kiệm và vay vốn “tiếp sức” từ những đồng vốn ít ỏi đã thoát nghèo.
Anh Thân cho biết: “Ban đầu chỉ 30 triệu đồng, tôi đầu tư phát triển nghề trồng cam truyền thống. Bây giờ cuộc sống vợ chồng tôi không còn khó khăn như trước, tôi cũng mạnh dạn nghĩ nhiều kế sách để làm ăn, thu lãi nhiều hơn. Nhờ sự giới thiệu của tổ tiết kiệm và vay vốn qua Hội Nông dân xã, tôi tiếp tục được vay 50 triệu đồng vốn mới thoát nghèo, và có thể mở rộng sản xuất, nuôi chí làm giàu”.
Nguồn vốn tại Hội LHPN xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh đã đạt 16,1 tỷ đồng
Đến xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), người ta không còn mường tượng ra những ngôi làng lúp xúp, quanh năm chỉ biết dựa vào đôi mớ cá gần bờ trên những chuyến thuyền nan. Kỳ Khang bây giờ có đến hàng chục mô hình chăn nuôi thu lãi cả trăm triệu mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Liên - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Khang cho hay: “Hiện, Hội phụ nữ xã quản lý nguồn vốn 16,1 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 2,4 tỷ đồng và cận nghèo là 4,1 tỷ đồng. Quá trình rà soát, tiếp cận hộ vay vốn, ngoài điều kiện đúng đối tượng vay vốn thì cần chọn lọc hộ vay có thể phát huy được nguồn vốn ưu đãi, vừa thoát nghèo bền vững, vừa tạo điều kiện để tổ quản lý nguồn chất lượng tín dụng”.
Với chủ trường tập trung nguồn vốn về “vùng trũng”, chính các tổ tiết kiệm và vay vốn qua các hội ủy thác là những cánh tay đắc lực trong việc chuyển tải ưu đãi chính sách đến với người nghèo, hộ chính sách vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Đến đầu tháng 9/2019, tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã đạt trên 4.613 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn quốc về dư nợ cho vay. Trong đó, qua các tổ ủy thác chiếm 99% dư nợ. Nguồn vốn từ chỗ “nặng” cho vay hộ nghèo, thì nay chuyển dịch hỗ trợ các hộ tạo việc làm, nâng cao điều kiện sống và thu nhập góp phần thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Gần 20.000 công trình nước sạch của người dân được cải tạo nhờ nguồn vốn CSXH
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã tạo nên những cộng hưởng tích cực đối với hoạt động về tập trung nguồn vốn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH.
Nguồn vốn được nối bởi những mạng lưới sâu rộng hơn của các tổ chức chính trị xã hội thông qua mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn, các địa phương cũng quan tâm dành nguồn lực xứng đáng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trên 100 tỷ đồng đã được chuyển từ ngân sách địa phương sang cho vay tại ngân hàng CSXH, tăng hơn 60% nguồn vốn trong thời gian 5 năm.
Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh cho biết: “Với mô hình hoạt động đặc thù, điểm giao dịch vay vốn của Ngân hàng CSXH đến tận xã, thôn xóm, do vậy mà tạo được sức lan tỏa lớn, giúp người nghèo và hộ chính sách chuyển biến trong cách thức làm ăn, phát triển kinh tế theo đúng tinh thần “không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước”.
Nhìn rộng ra, tín dụng chính sách là một giải pháp quan trọng thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về chính sách an sinh xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để hướng đến giảm nghèo bền vững.