Nguy cơ suy thoái ở châu Âu tăng do COVID-19 và xung đột tại Ukraine

Viện kinh tế Đức cho biết tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế tiếp diễn - vốn bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng, có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) đứng trước bờ vực suy thoái.

Nguy cơ suy thoái ở châu Âu tăng do COVID-19 và xung đột tại Ukraine

Trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu OGE ở Werne, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện kinh tế Đức (IW) ngày 11/8 công bố một nghiên cứu, trong đó đưa ra nhận định rằng, các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 hay xung đột Nga-Ukraine đang khiến nguy cơ suy thoái tại châu Âu tăng cao.

Theo nghiên cứu trên, tuy cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hiện nay của các nước “có thể hiểu được”, nhưng có nguy cơ dẫn đến “sự phân hóa trong phát triển kinh tế”, nhất là liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế tiếp diễn - vốn bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng, có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) đứng trước bờ vực suy thoái.

Năm ngoái, EU đã thông qua gói viện trợ phục hồi sau đại dịch trị giá 800 tỷ euro (tương đương 826 tỷ USD). Trong đó, Tây Ban Nha và Italy - hai quốc gia chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do đại dịch, nhận được khoản viện trợ không hoàn lại lớn nhất, lần lượt là 77 tỷ euro và 70 tỷ euro.

Nghiên cứu cho biết tuy chương trình giúp tạo động lực cho đầu tư tư nhân trong khối, nhưng không hiện thực hóa được những kỳ vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng hoặc phục hồi mạnh theo mô hình chữ V.

Các nước châu Âu chịu ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau và ở một số nước thành viên như Đức, Tây Ban Nha và Italy, chi tiêu tiêu dùng tư nhân hoặc sản xuất công nghiệp vẫn dưới mức trước khủng hoảng. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vốn đã cao, còn chịu cú sốc về giá năng lượng, nên càng tiếp tục leo thang.

Tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã chạm mức 9,6% trong tháng 6, trong đó các nước Estonia và Lithuania ghi nhận mức lạm phát cao nhất, hơn 20%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tháng 7/2022, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm, song đây chỉ là bước mới nhất trong số các biện pháp đặc biệt mà ngân hàng này có thể sẽ áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng.

Tuy nhiên, IW cho rằng việc tăng lãi suất khó có thể mang lại hiệu quả tức thời, trong khi các biện pháp của ECB thậm chí có thể làm tăng nguy cơ suy thoái.

IW cảnh báo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng còn tiếp diễn trên thế giới, các nền kinh tế lớn với tỷ trọng công nghiệp cao như Đức có thể bị bỏ lại phía sau, trong khi “các doanh nghiệp sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh”./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.