Người dân sơ tán tránh xung đột tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 24/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao tranh tại Sudan đã hạ nhiệt vào tối 25/4 khi quân đội Suddan và lực lượng bán quân sự đối lập nhất trí ngừng bắn 3 ngày, cho phép người dân Sudan nhanh chóng sơ tán lánh nạn và nhiều nước sơ tán công dân .
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại thủ đô Khartoum sau khi một trong những bên tham gia giao tranh tại nước này chiếm quyền kiểm soát Phòng thí nghiệm y tế quốc gia - nơi lưu giữ mầm bệnh sởi và bệnh tả .
Chia sẻ với báo giới tại Geneva qua video kết nối từ Sudan, ông Nima Saeed Abid, quan chức của WHO cho biết toàn bộ nhân viên kỹ thuật đã bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc đảm bảo các vật liệu sinh học và vật chất sẵn có trong phòng thí nghiệm được cất giữ an toàn. Ông từ chối cho biết lực lượng nào chiếm giữ phòng thí nghiệm.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ ngày 15/4 đến nay đã khiến nhiều khu vực dân cư thành vùng chiến sự, cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và hơn 4.000 người bị thương.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều khu vực trầm trọng hơn do cuộc sống ở những nơi này thường phụ thuộc vào hàng viện trợ, thì nay còn không có cả điện, nước sinh hoạt.
Nhiều nước đã nhanh chóng sơ tán nhân viên đại sứ quán ra khỏi thủ đô Khartoum.
Ngày 25/4, Anh đã tiến hành một cuộc sơ tán công dân quy mô lớn, sử dụng các chuyến bay quân sự từ một sân bay phía Bắc Khartoum. Pháp và Đức cho biết mỗi nước đã sơ tán hơn 500 công dân nhiều nước khác nhau.
Người dân địa phương cũng đã tranh thủ thời gian giao tranh tạm lắng để chạy khỏi nhà sau hơn một tuần bị kẹt lại. Họ lo ngại giao tranh tại Sudan sẽ trầm trọng hơn sau khi người nước ngoài rời đi./.