Đền Nguyễn Công Trứ từ lâu đã trở thành điểm sinh hoạt ca trù hàng tuần của câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ (ảnh Đậu Hà).
Ở đó, thanh âm trầm đục của đàn đáy và tiếng hát liêu trai, xanh như ngọc phỉ thúy của đào nương đã dẫn tôi vào một không gian cổ xưa… Ở đó, tôi như được gặp gỡ một tướng công vừa trút bỏ vẻ đạo mạo để thả hồn mình tiêu tao trong những đêm ả đào tình tứ.
Dù các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều luận cứ khác nhau về sự xuất hiện của ca trù nhưng với người Nghi Xuân thì Cổ Đạm vẫn là đất tổ. Với họ, người có công đưa ca trù Cổ Đạm phát triển rực rỡ nhất là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Say sưa trong tiếng chầu tom chát, đắm đuối trong thanh sắc của đào nương, tâm tình của Nguyễn Công Trứ đã được ca trù nuôi dưỡng và ngược lại, chính ông cũng nuôi dưỡng nghệ thuật ca trù bằng những sáng tác hát nói để đời.
Chân dung Nguyễn Công Trứ - người có nhiều duyên nợ với ca trù Cổ Đạm
Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thùy Vân - người hát “Vịnh Tỳ bà hành” của Nguyễn Công Trứ hay bậc nhất hiện nay, chia sẻ: “Trước khi Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ được thành lập, tôi và các đồng nghiệp cơm đùm cơm nắm xuống Cổ Đạm học hát ca trù ở nhà các đào nương Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga… và được nghe kể rất nhiều giai thoại về Nguyễn Công Trứ. Những đào nương của Giáo phường ty Cổ Đạm ấy thuộc thế hệ cuối nhưng cũng nhờ tài năng, tiếng tăm của Nguyễn Công Trứ mà được vào hát ở cung vua, phủ chúa.
Các thế hệ ca nương của giáo phường vẫn truyền nhau nhiều câu chuyện về Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ như một cách nhớ ơn tiền nhân. Thuở ấy, cậu Củng (tên khai sinh của Nguyễn Công Trứ) là người nổi bật nhất trong đám văn nhân tài tử xa gần tìm đến giáo phường. Bởi, cậu không chỉ là người thưởng thức mà còn là một kép đàn điệu nghệ, lại là người dày công dạy dỗ, tập luyện cho đào nương và kép đàn của giáo phường thành những nghệ nhân tài hoa. Với lớp hậu sinh như chúng tôi, những câu chuyện về Nguyễn Công Trứ luôn là niềm cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi cống hiến hết mình cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù của quê hương”.
Di sản ca trù đã và đang được các nghệ nhân ở Nghi Xuân gìn giữ, phát huy. Ảnh Huy Tùng
Ca trù bước vào tâm hồn Nguyễn Công Trứ từ thuở mới lớn và theo ông suốt cả những bước thăng trầm của cuộc đời. Ca trù với những nàng thơ trên chiếu hát không chỉ là thú vui mà là nguồn cảm hứng sáng tác để qua đó, ông thả sức bày tỏ quan niệm, tư tưởng, cách sống của mình trước cuộc đời. Cũng bởi vừa tài năng về văn chương chữ nghĩa, vừa am tường nhạc lý nên các sáng tác hát nói của ông rất xuất sắc. Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng nhận xét: “Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam”.
Thế kỷ XIX được ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh nhất của ca trù cả ở miền Bắc và tại các tỉnh miền Trung. Ca trù được vua chúa, quan lại nhà Nguyễn say mê. Giáo phường ty Cổ Đạm, nhờ sự ảnh hưởng của Nguyễn Công Trứ mà trở thành trung tâm ca trù của 4 phủ, 12 huyện Nghệ An và Hà Tĩnh, được văn nhân tài tử khắp cả nước ca ngợi. Ngày nay, tuy ca trù không còn thịnh hành trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân nữa nhưng ở Nghi Xuân, mạch ngầm của ca trù vẫn chảy.
Mỗi ngày, các nghệ nhân, diễn viên ở CLB Ca trù Cổ Đạm và CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ vẫn âm thầm gìn giữ và truyền dạy vốn quý của cha ông cho thế hệ trẻ. Những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ lại vang lên trên các chiếu hát ca trù. Để muôn sau, người đời còn ghi nhớ về mối nợ duyên không dứt của một vị quan tài ba với lối sinh hoạt ả đào phóng khoáng. Như ông từng viết: “Trót đa mang khúc hát cung đàn/ Nên dan díu mối tình chưa dứt”.