Núi Hồng - Sông La

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Một kỳ tích mới vừa được lập nên cho điền kinh Hà Tĩnh bằng gương mặt không mới - VĐV Nguyễn Trung Cường. Sau 3 năm thi đấu “lận đận”, Cường đã không nản chí mà vẫn bền bỉ tập luyện để tìm lại chính mình. Và cú đúp HCV tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX là “kỳ tích” của người con miền quê nắng gió Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh).

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Nguyễn Trung Cường (thứ 2 bên trái bước vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX với áp lực tìm lại chính mình sau quãng thời gian thi đấu không thành công.

Hà Nội những ngày này không khí khá buốt. 2 ngày sau khi có cú soán ngôi lịch sử, Trung Cường ốm nặng, buộc phải nghỉ thi đấu ở nội dung chạy 1.500m nam. Khác với dáng vẻ dũng mãnh trên đường đua, Trung Cường mà tôi gặp ở Hà Nội khá điềm đạm và rất hiền lành. Cơn sốt cao khiến Cường trở nên lặng lẽ. Tôi cũng có cảm giác cậu là một người khá “mong manh”. Ấy thế mà, mới cách đây ít ngày (15/12), chính con người này đã tạo nên một bất ngờ lớn trên sân vận động Mỹ Đình khi giành HCV nội dung chạy 5.000m nam.

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Giây phút Cường bứt tốc vượt qua tượng đài Nguyễn Văn Lai để giành tấm HCV nội dung 5.000 mét nam.

Trước giải đấu, giới chuyên môn nhận định, tấm HCV sẽ thuộc về Nguyễn Văn Lai (đoàn Quân đội), bởi nội dung này vốn được xem là “sân chơi riêng” của VĐV này suốt 10 năm qua. Chính Cường cũng có ý nghĩ như thế dẫu cậu vẫn hy vọng và âm thầm nỗ lực để có thể giành được thành tích cao nhất.

Nội dung 5.000m không phải là sở trường nhưng trong một ngày thi đấu xuất sắc, Cường đã đánh bại “tượng đài” Nguyễn Văn Lai, xuất sắc giành HCV với thành tích 14 phút 33 giây 54. Trước đó, ngày 14/12, Cường cũng đã thi đấu nổi bật giành HCV nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và phá kỷ lục đại hội.

Chia sẻ về khoảnh khắc soán ngôi đàn anh, Cường cho biết: “Anh Nguyễn Văn Lai đã là một tượng đài ở nội dung chạy 5.000m, tôi không nghĩ mình có thể đánh bại anh ấy. Lúc bước vào đường chạy, tôi chỉ nghĩ phải cố gắng chạy hết sức. Khi biết mình về đích đầu tiên, tôi rất vui và hạnh phúc. 2 tấm HCV có sự may mắn nhưng đó là thành quả sau chuỗi ngày tập luyện chăm chỉ, nỗ lực không mệt mỏi của bản thân”.

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Chứng kiến học trò giành 2 HCV, HLV điền kinh Hà Tĩnh Nguyễn Thuận không giấu được niềm xúc động và tự hào: “Cường bước vào kỳ đại hội lần này với áp lực rất lớn, cậu ấy đang tìm lại bản thân mình sau chuỗi ngày sự nghiệp đi xuống. 3 năm qua, Cường chịu nhiều cú sốc khi để vụt mất tấm HCV ở SEA Games 30 trên đất Philippines năm 2019, liên tục gặp chấn thương, bị loại khỏi đội tuyển điền kinh quốc gia tham dự SEA Games 31. Có những giai đoạn, Cường rơi vào tuyệt vọng nhưng ngọn lửa của niềm đam mê điền kinh trong cậu tiếp tục được thắp lên bằng quyết tâm của chính bản thân và sự động viên của gia đình, HLV, đồng đội và người hâm mộ. Tôi rất hạnh phúc khi những nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng. Cường đã có một giải đấu ngọt ngào và đầy cảm xúc”.

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

2 tấm HCV ở kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cùng với việc soán ngôi Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Trung Cường đã tạo nên kỳ tích cho điền kinh Hà Tĩnh.

Không phải đến kỳ đại hội lần này người ta mới biết đến tài năng của chàng trai người Kỳ Anh. Cái tên Nguyễn Trung Cường từng ghi dấu ấn ở nhiều giải đấu, nhất là ở nội dung “siêu khó” 3.000m vượt chướng ngại vật. Trung Cường từng giành rất nhiều thành tích như: HCV Giải trẻ Đông Nam Á 2017, HCB Giải điền kinh U18 châu Á 2017, HCĐ Giải điền kinh trẻ châu Á 2018, 2 HCV Giải điền kinh học sinh Đông Nam Á, HCV Giải vô địch quốc gia 2019, vô địch 3 lần liên tiếp Giải vô địch trẻ quốc gia 2017 - 2019…

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Hình ảnh chàng trai Nguyễn Trung Cường những ngày đầu đến với bộ môn điền kinh.

Để có được những thành tích đó, Trung Cường đã phải trải qua quá trình khổ luyện hơn các VĐV khác bởi điền kinh là một “cuộc gặp gỡ” rất tình cờ. Ấy là năm học THCS, khi một bạn trong đội điền kinh của trường tham dự Hội khỏe Phù Đổng huyện Kỳ Anh bị ốm, Cường được cử đi thay. Và như một cơ duyên đặc biệt, Cường xuất sắc giành giải nhất.

Tiếp đó, tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, Cường xuất sắc giành HCV bộ môn điền kinh. Sau kỳ thi đó, HLV Nguyễn Thuận đã tìm gặp cậu và truyền lửa đam mê điền kinh cho Cường.

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốc

Trải qua 6 năm với môn điền kinh, Trung Cường đã sưu tập được hàng loạt danh hiệu trong nước và khu vực.

“Để đến với điền kinh, tôi đắn đo rất nhiều vì sở thích của tôi lúc bấy giờ là nhiếp ảnh và đã có kế hoạch cho niềm đam mê này. Thầy Thuận đã chia sẻ rất nhiều và chính sự tận tâm của thầy khiến tôi lựa chọn điền kinh. Bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp lúc 16 tuổi là quá muộn nhưng thầy Thuận và các HLV bộ môn điền kinh đã giúp tôi rút ngắn được khoảng cách đến với thành công. Những ngày ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, tôi đã trải qua nhiều khó khăn. Cả đội tập luyện trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, giày và quần áo phải mang lại đồ cũ của các anh chị đi trước. Không thể nhớ hết được bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi trên đường tập nhưng tôi nhớ rất rõ những lời động viên, thậm chí cả sự nghiêm khắc của các thầy. Đó chính là động lực để tôi không chùn bước, không bỏ cuộc, đặc biệt là 3 năm thi đấu đầy “lận đận” vừa qua” - Cường chia sẻ.

Nguyễn Trung Cường và những “kỳ tích” tại Đại hội Thể thao toàn quốcỞ tuổi 22, Cường đã làm bố. Với anh gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để anh vượt qua khó khăn.

Giờ đây, ở tuổi 22, Cường đã là ông bố trẻ. Cú đúp HCV với kỳ tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m nam đã cho thấy bản lĩnh, ý chí bền bỉ, niềm đam mê cháy bỏng của chàng trai miền quê nghèo Kỳ Thượng.

“Sự xuất hiện của con là động lực rất lớn để tôi trở lại như hôm nay. Tôi cảm ơn gia đình đã luôn bên cạnh. Bây giờ tôi chỉ muốn tập trung trở lại đường chạy thật tốt, hướng tới những giải đấu quan trọng năm sau” - Cường chia sẻ.

Chứng kiến sự trưởng thành của học trò, có lẽ người vui nhất không ai khác chính là HLV Nguyễn Thuận. Ông chia sẻ: “Cường là tài năng đầy triển vọng của điền kinh Hà Tĩnh. Hai tấm HCV ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX của Cường đã tạo tiếng vang cho Hà Tĩnh, góp phần đưa điền kinh tỉnh nhà xếp thứ 7/59 đơn vị tham gia. Tôi tin rằng, với tinh thần vượt khó, nỗ lực không mệt mỏi của Cường và sự chỉ bảo tận tâm của các HLV, chặng đường sắp tới, em sẽ chạm tay tới nhiều đỉnh cao hơn nữa”.

Video: Gặp gỡ người thầy và “gương mặt vàng” của điền kinh Hà Tĩnh

Thiết kế: Công Ngọc

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.