Tài năng - Tận tụy - Trung thành
Năm 1978, nhân một lần sang Thông tấn xã Việt Nam đặt bài cho anh Đoàn Tần (Phòng Bản tin Quốc tế) theo yêu cầu của tòa soạn, tôi được gặp bác Đào Duy Tùng đang ngồi tại phòng anh Tần. Qua giới thiệu, bác biết tôi và anh Đoàn Tần đều là dân Hà Tĩnh, gốc Hương Sơn nên hỏi ngay: “Nhà cậu có gần Sơn Mỹ, Hương Sơn, quê anh Trần Kim Xuyến không?”. Biết tôi công tác bên Tạp chí Quốc phòng toàn dân, lại là đồng hương của người lãnh đạo tiền nhiệm Trần Kim Xuyến, bác Đào Duy Tùng (lúc bấy giờ là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) rất vui, chuyện trò thân mật như người nhà.
Nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến (1921-1947). Ảnh tư liệu
Bác nói đại ý, Thông tấn xã Việt Nam có 260 liệt sỹ ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng anh Xuyến là trường hợp rất đặc biệt. Anh hy sinh lúc rất trẻ, mới 26 tuổi, lại là nhà báo giữ cương vị rất cao: Đổng lý Văn phòng của Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam; anh trực tiếp phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) và đang là ĐBQH khóa I. Có thể nói, Trần Kim Xuyến là liệt sỹ báo chí và cũng là liệt sỹ Quốc hội đầu tiên của nước ta. Cuộc đời làm báo, hoạt động cách mạng của anh Xuyến tuy không dài nhưng có thể gói gọn trân trọng trong 6 từ “Tài năng - Tận tụy - Trung thành” với Đảng, với Nhân dân, với nghề nghiệp.
Là con của một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo, hiếu học, Trần Kim Xuyến thi đậu điểm cao vào Trường Quốc học Vinh (Nghệ An). Năm 1939, tốt nghiệp với tấm bằng thành chung, anh được chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm công tác tại tòa sứ Bắc Giang. Được chứng kiến tận mắt sự áp bức, đè nén bất công của chế độ thực dân với đồng bào mình, cùng với sự giác ngộ của cách mạng, Trần Kim Xuyến từ cảm tình, ủng hộ, tham gia rồi trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh Bắc Giang do Xứ ủy Bắc Kỳ và Mặt trận Việt Minh sáng lập. Năm 1944, ông bị Pháp bắt, tra tấn và giam vào Hỏa Lò. Lợi dụng tình thế phát xít Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp, ông và các bạn tù chính trị tổ chức vượt ngục, trở về với Đảng. Được tổ chức phân công, ông hăng hái lao vào công cuộc chuẩn bị giành chính quyền cách mạng tại Hà Nội ngày 24/8/1945.
Với tài năng, tâm huyết của một chiến sỹ cách mạng trẻ, ông được Đảng tin tưởng giao chức vụ Đổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin (nay là Thông tấn xã Việt Nam) lúc mới 25 tuổi. Đó là những tháng ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất của nhà báo trẻ Trần Kim Xuyến. Ngay sau ngày giành chính quyền thành công tại Hà Nội, được Đảng giao tiếp quản cơ sở làm việc của Nha Thông tin của Pháp và điều hành công việc tại ngay trụ sở phố Pierre Parquier (nay là nhà số 6, đường Điện Biên Phủ), Trần Kim Xuyến bắt tay ngay vào công việc. Trước hết, ông chỉ đạo nhân viên Nha Thông tin sử dụng thiết bị vô tuyến thu nhận các thông tin của nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, phục vụ cho chính quyền cách mạng, chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù và bọn phản động, bảo vệ nền độc lập của Nhà nước. Bên cạnh đó, ông còn được giao tiếp quản Sở Vô tuyến Viễn thông của Pháp ở Ngã tư Vọng, xây dựng cơ sở vật chất để thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, trực tiếp chỉ huy, kịp truyền đi toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc tại Quảng trường Ba Đình, cùng bản danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với tài năng, đức độ, sự mẫn cán của mình trước bộn bề công việc của một lãnh đạo Nha Thông tin Chính phủ lâm thời cùng với trọng trách chủ trì hai cơ quan truyền thông quan trọng của nước nhà, nhà báo Trần Kim Xuyến được tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa I của nước ta, ngày 26/1/1946 tại đơn vị bầu cử tỉnh Bắc Giang khi mới tròn 25 tuổi. Ông là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội lúc bấy giờ.
Niềm tự hào lớn của nền báo chí cách mạng
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thực dân Pháp gây chiến đánh phá Hải Phòng, khiêu khích quân ta trên đường phố Hà Nội. Trần Kim Xuyến cùng các đồng nghiệp bám sát đài phát sóng tại Bạch Mai. Ông chỉ đạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam viết bài, đưa tin vạch trần âm mưu của đế quốc Pháp, nêu gương, cổ vũ tinh thần chiến đấu bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng của quân dân Liên khu I, Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tổ chức cho anh chị em di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin lặng lẽ rời Hà Nội, sơ tán vào chùa Trầm, Hà Đông.
Phát hiện Đài Tiếng nói của ta phát sóng từ hang đá chùa Trầm, ngày 3/3/1947, thực dân Pháp lập tức huy động quân ào ạt tấn công với một lực lượng lớn bộ binh, có cả xe tăng, máy bay đánh phá vùng Xuân Mai, Hà Đông, Sơn Tây. Một lần nữa, nhà báo Trần Kim Xuyến bình tĩnh chỉ huy mọi người chuyển máy móc, đồ đạc, tài liệu rời hang chùa Trầm, thoát khỏi vòng vây kẻ địch, cất dấu vào vị trí mới. Khi vừa hoàn thành công việc, ông không may trúng một loạt đạn của quân địch, ngã xuống tại mảnh đất Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên, cũng là ĐBQH Việt Nam đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi mới 26 tuổi.
Trong Giấy truy tặng ngày 19/3/1947, Bộ Nội vụ ghi rõ: “Ông Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam đã hy sinh vì nhiệm vụ trong trường hợp đặc biệt, ngày 3/3/1947… Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha Thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại cố gắng dùng hơi thở phút cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội Vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người”.
Được tin nhà lãnh đạo trẻ của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam vì nước đã bỏ mình, trước khi chết còn gắng gượng hô to, cổ vũ tinh thần cho các đồng nghiệp: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Bác Hồ đã khóc. Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến. Ông xứng đáng là một tấm gương, một niềm tự hào lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tên của ông đã được 4 địa phương trên cả nước là Hà Nội, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh chọn đặt tên đường phố. Ngày 21/8/2019, huyện Hương Sơn cho ra đời trường THCS mang tên Trần Kim Xuyến, đóng chân trên địa bàn xã Sơn Bằng. Ngoài ra, từ năm 2020, huyện Hương Sơn quê ông chính thức có giải bóng chuyền nữ tranh cúp Trần Kim Xuyến được tổ chức thường niên vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tôn vinh nhà báo cách mạng đầu tiên hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Em trai ông - liệt sỹ Trần Kim Luyện, hy sinh trong trận chống càn ác liệt tháng 2/1954 tại Hà Nam. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Lan, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì đã có 2 con trai anh dũng hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.