Cảm ơn nghề đã đưa chúng tôi tới Trường Sa, Nhà giàn DK1!

(Baohatinh.vn) - Với chúng tôi - phóng viên Báo Hà Tĩnh, được tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là niềm vinh dự, tự hào, với nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Phóng viên Đình Nhất: Đến với Trường Sa là hành trình vinh dự và tự hào

Những ngày cuối năm Quý Mão, nhận lệnh cùng các phóng viên, nhà báo từ các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, lòng tôi rộn ràng bao cảm xúc. Là một phóng viên, một đảng viên trẻ, tôi ý thức được niềm vinh dự, tự hào và cả trách nhiệm của bản thân trong lần thực hiện nhiệm vụ này.

aIMG_7230.jpg
Cán bộ, chiến sĩ đảo Cô-Lin đọc Báo Hà Tĩnh.

Niềm mong mỏi đó thôi thúc tôi tìm đọc những bài viết, phóng sự của các đồng nghiệp về Trường Sa, để phần nào hình dung được hành trình sắp tới. Nhưng càng đọc, khát khao đến với Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc lại càng thêm mãnh liệt.

ab78e8bb43f6d9c33c57c.jpg
a6c4fd8d11a08b956e019.jpg
Đội ngũ nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

Ngày ra khơi, con tàu mang số hiệu 571 kéo 3 hồi còi tạm biệt đất liền. Hơn 30 giờ đồng hồ lênh đênh cùng những cơn sóng dữ dội, chúng tôi mới đặt chân đến đảo đầu tiên. Nhớ cảm giác say sóng chếnh choáng, mê mệt cứ kéo dài không thôi. Những bữa ăn diễn ra trong chớp nhoáng, vừa ăn vừa phải giữ chặt lấy bát đũa của mình… Thật may vì cán bộ, chiến sĩ, thuyền viên tàu đã luôn đồng hành, chăm lo để mọi người có thể sớm thích nghi và có sức khỏe để tác nghiệp trong suốt hành trình.

Khó khăn chồng chất khó khăn, sóng lớn khiến chiếc xuồng chuyển tải của chúng tôi gặp sự cố khi cố gắng đưa đội ngũ phóng viên cập đảo Song Tử Tây. Chưa kịp đặt chân lên điểm đảo đầu tiên, trang thiết bị của nhiều anh em đã bị nước biển làm hư hại.

az5557645755635_c43f20349a79a35dd428896d7cec778c.jpg
Vượt sóng đến với Trường Sa.

Sóng gió dịp cuối năm là vậy, nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi có thể thấu hiểu thêm phần nào về những gian nan, vất vả, và cả hiểm nguy mà quân dân trên các đảo phải đối mặt, vượt qua. Đó cũng là động lực để đội ngũ nhà báo trên chuyến tàu 571 luôn nỗ lực, gắn kết, động viên nhau, hỗ trợ trang thiết bị, chia sẻ tư liệu. Tất cả đều chung một mục tiêu, trở thành cầu nối gửi đến công chúng những thông tin, hình ảnh về nghị lực, tinh thần quyết tâm, về cuộc sống của quân và dân nơi đảo xa.

Tôi nhớ mãi khoảnh khắc đặt bước chân đầu tiên tới Trường Sa. Nơi quanh năm là phong ba, bão táp, đón chúng tôi lại là những nụ cười rạng rỡ nhất. Suốt thời gian lưu lại trên các đảo lớn, tôi cố gắng cảm nhận thật trọn vẹn về vùng đất và con người nơi đây.

aIMG_6210.jpg
aIMG_7444.jpg
aIMG_7476.jpg
aIMG_7883.jpg
Những hình ảnh chân thực về Trường Sa dưới ống kính của phóng viên Đình Nhất

Đó là những cảm xúc thiêng liêng khi cử hành nghi lễ chào cờ nơi tiền tiêu của Tổ quốc, là phút xúc động nghẹn ngào của lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đó còn là khoảnh khắc đời thường như lúc tản bộ dọc những con đường rợp bóng cây xanh mướt, lắng nghe tiếng cười đùa trong trẻo của những đứa trẻ từ xa vọng tới. Là khi quây quần bên ly trà mới, dưới tán bàng vuông, được nghe những câu chuyện của các chiến sĩ, của những người dân đảo… để rồi lại thêm cảm phục trước những cống hiến, hy sinh, sự đồng lòng, chung sức của quân và dân nơi đây.

Tất cả những điều đó, đều được tôi ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, đặt hết tâm huyết vào từng bức ảnh, thước phim.

a29d2280b9e0c34526d1d.jpg
PV Đình Nhất trao đổi, trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn.

Hoàn thành hải trình gần 20 ngày, tôi trở về đất liền với biết bao trải nghiệm; bản thân cũng đã hoàn thành các bài viết chuyên đề, những phóng sự ảnh nhiều kỳ. Tất cả đều được thực hiện với mong muốn truyền tải tới bạn đọc Hà Tĩnh và cả nước một cái nhìn rõ nét, chân thực về quần đảo Trường Sa, góp phần lan tỏa tinh thần “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”.

Phóng viên Ngân Giang: Tôi đã có một “sân khấu” ý nghĩa nhất cuộc đời!

1.jpg
2.jpg
Phóng viên Ngân Giang tác nghiệp tại Nhà giàn DK1

Gần 9 năm công tác tại Báo Hà Tĩnh, tôi đã có dịp đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều khó khăn của các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng... nhưng Nhà giàn DK1 là địa danh đặc biệt nhất. Cách đất liền 1.029 hải lý, những căn “nhà lô”, “nhà chòi”- theo cách gọi thân thương của bà con ngư dân không chỉ là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn là “hiện thân” của chủ quyền quốc gia, dân tộc trên thềm lục địa phía Nam.

Cũng như những người làm báo khác, được tác nghiệp ở biển, đảo quê hương là niềm tự hào, hạnh phúc. Chính vì vậy, khi tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 vào dịp cuối năm Quý Mão, tôi đã luôn tận dụng từng cơ hội để "nối" biển đảo với đất liền bằng những tác phẩm báo chí của mình.

a.jpg
Nhà giàn DK1 trong trái tim của những người làm báo

Mùa biển động - chính là mùa mang tết ra Nhà giàn DK1, sóng dập dềnh ì oạp cả ngày lẫn đêm. Trong bất kì tư thế nào dù là nằm, ngồi, hay đứng thì chúng tôi cũng cần có điểm tựa, điểm bám để không bị xô ngã.

Có những ngày sóng to, từ sáng đến tối chỉ nghe âm thanh của vỏ tàu va với sóng, tiếng leng keng của nồi niêu xoong chảo trên phòng bếp bị xô đập vào nhau. Thế mà như có một sức mạnh kỳ diệu, chỉ cần tàu dừng, chỉ cần nghe sắp đến nhà giàn thì tất cả đều bật dậy, xung phong đi chuyến xuồng đầu tiên để sớm được lên nhà giàn.

b.jpg
PV Ngân Giang gửi tặng lời ca tiếng hát tới các cán bộ, chiến sỹ qua sóng bộ đàm

Sáng ấy, sau lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sóng biển Đông cuộn mình gầm rú. Những cơn sóng dữ dội dâng lên, hạ xuống trong chớp mắt, tung cao bọt trắng xóa. Đã hơn 1 năm rồi, không có đoàn công tác nào ghé thăm được Nhà giàn DK1/15. Vậy mà hôm nay, đoàn công tác quyết định hạ chiếc xuồng nhỏ có sự hiện diện của một số đại biểu can đảm nhất trong đoàn công tác số 1 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ.

Video: PV Ngân Giang hát tặng chiến sỹ nhà giàn DK1

Mũi xuồng lúc dốc ngược lên thẳng đứng, lúc lại như bị nuốt chửng vào lòng biển thẳm. Dù cố gắng và nỗ lực đến vậy nhưng chiếc xuồng nhỏ vẫn không thể tiếp cận được Nhà giàn DK1/15. Không thể chờ đợi, đoàn công tác nhanh chóng triển khai phương án “Chúc tết qua loa, tặng quà qua dây”.

Đã có rất nhiều những giọt nước mắt của những người làm báo trên tàu Trường Sa 04 cùng rơi. Lúc này, tôi mạnh dạn đăng ký gửi tặng các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/15 một bài hát qua bộ đàm. Tiếng hát lúc ấy không véo von, thánh thót như trong những buổi diễn văn nghệ nhưng đó là những cảm xúc rất chân thật mà tôi muốn gửi đến để động viên các cán bộ, chiến sỹ…

7.jpg
6.jpg
5.jpg
8.png
Các nhà báo, phóng viên vượt qua nhiều thử thách để có mặt tác nghiệp tại Nhà giàn DK1/10

Rồi đột nhiên, một chiến sĩ hải quân từ Nhà giàn DK1/15 cầm chặt lấy lá cờ đỏ sao vàng trong tay, giơ lên thật cao và chạy một vòng tròn quanh nhà giàn - đầy kiêu hãnh, tự hào. Lá cờ có màu của máu và có ánh sáng của sức sống Tổ quốc, tung bay giữa không gian bao la của biển trời quê hương. Và với tôi, những khoảnh khắc ngày hôm ấy chính là “sân khấu” đặc biệt nhất tôi có được trong đời.

Trong số 5 nhà giàn chúng tôi có dịp được thăm, chỉ có duy nhất Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau là có thể tiếp cận. Trải qua những thử thách leo “nhà lô” vô cùng nguy hiểm, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ để thăm hỏi, động viên và tác nghiệp cùng các cán bộ, chiến sỹ.

8.jpg
Được tận mắt chứng kiến những vất vả, hi sinh của các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc là nguồn động lực to lớn cho đội ngũ phóng viên, nhà báo.

Phải chạy mới có thể bám kịp các hoạt động. Nhưng không chỉ chạy mà còn phải ghi hình, chụp ảnh. Mắt luôn luôn quan sát. Tai luôn luôn lắng nghe. Máy ảnh liên tục bấm. Miệng tranh thủ phỏng vấn. Với một phóng viên thực hiện các nhiệm vụ đa phương tiện như chúng tôi lại càng vất vả, gấp gáp hơn bội phần. Thế nhưng, được tận mắt chứng kiến những vất vả, hi sinh của các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc là nguồn động lực để tôi cùng các nhà báo khác nỗ lực đưa Nhà giàn DK1 đến gần đất liền hơn nữa.

Và qua mỗi lần tác nghiệp trên dập dềnh sóng nước, những người làm báo lại gom nhặt cho mình thêm kinh nghiệm quý giá về nghề để ngày càng trưởng thành, để gói ghém vào đó là tinh thần trách nhiệm, tình yêu Tổ quốc, quê hương…

Chủ đề NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21-6

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.