Đoàn viên thanh niên xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) tình nguyện giúp người dân xây dựng nông thôn mới.
Chứng kiến những cống hiến và nỗ lực của các bí thư, phó bí thư chi đoàn trong các hoạt động tại địa phương, Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) Trần Thị Mỹ Duyên trăn trở: “Nhiều khi tôi thấy công suất làm việc, cống hiến của các bí thư chi đoàn còn nhiều hơn cả tôi, thế nhưng, mức phụ cấp hiện nay dành cho bí thư chi đoàn chỉ 0,4 so với mức lương cơ bản (tương đương 524 nghìn đồng/tháng). Biết rằng đó là mức phụ cấp theo quy định chung của Nhà nước nhưng tôi thấy so với những đóng góp của họ còn quá thấp”.
Theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/1/2016 của UBND tỉnh “về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ” thì tùy từng địa phương, UBND các huyện, thành phố, thị xã, căn cứ tính chất, khối lượng thực hiện các nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố để quyết định việc bố trí số lượng người; quyết định mức khoán của mỗi nhiệm vụ trong 8 nhóm nhiệm vụ quy định tại quyết định nhưng tổng số không vượt quá số lượng người và số kinh phí khoán quy định cho mỗi thôn, tổ dân phố. Hiểu một cách đơn giản thì, bí thư chi đoàn là chức danh đương nhiên được nhận phụ cấp, còn với chức danh phó bí thư chi đoàn thì tùy nguồn ngân sách và số lượng người ở mỗi địa phương mới quyết định việc có được nhận phụ cấp hay không.
Đối với những địa phương tự cân đối thu chi ngân sách thì mức phụ cấp dành cho bí thư chi đoàn còn thấp hơn thế rất nhiều. Anh Nguyễn Trung Thương - Bí thư Huyện đoàn Hương Khê cho biết: “Bí thư chi đoàn tổ dân phố của thị trấn Hương Khê được nhận trợ cấp mỗi tháng 275 nghìn đồng, bởi thị trấn Hương Khê là đơn vị tự chủ thu chi. Dẫu biết đó là khoản tiền rất nhỏ, có khi chưa đủ tiền xăng xe, điện thoại khi các bạn làm nhiệm vụ nhưng Huyện đoàn cũng “lực bất tòng tâm”, chỉ biết động viên các bạn phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ vì nhiệm vụ chung”.
Anh Hồ Sỹ Thuận - Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Liên, xã Thạch Đồng chia sẻ: “Ở Thạch Đồng, do hạn chế số lượng, mức khoán đối với những người thực hiện nhiệm vụ đoàn thể ở thôn nên chỉ chức danh bí thư chi đoàn mới được nhận phụ cấp. Vì vậy, để linh hoạt và động viên phó bí thư chi đoàn thì khoản phụ cấp sau khi nhận về, tôi đều chia đôi, mỗi người nhận 262 nghìn đồng. Thực lòng mà nói, nếu chỉ vì khoản phụ cấp mà nhận nhiệm vụ làm bí thư hay phó bí thư chi đoàn thì chúng tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi làm vì tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, vì phong trào chung của địa phương”.
Có thể thấy, để huy động, tập hợp lực lượng ĐVTN tại cơ sở tham gia các hoạt động ở địa phương thì tất cả đều cần đến sự “ra tay” của thủ lĩnh đoàn thôn, xóm. Mặt khác, bí thư, phó bí thư chi đoàn đa phần tuổi đời trẻ, đóng vai trò “trụ cột” kinh tế gia đình, trong khi thời gian để tham gia các hoạt động đoàn không hề ít, vì vậy, mức trợ cấp trên khó có thể giúp họ yên tâm công tác.
Trước thực tế đó, thời gian qua, để tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, một số đơn vị đã tham mưu triển khai việc lồng ghép chức danh bí thư, phó bí thư chi đoàn với công an viên hoặc thôn đội phó, y tế thôn bản. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ ĐVTN nói chung, các bí thư, phó bí thư chi đoàn nói riêng xây dựng các mô hình, thành lập HTX, tổ hợp tác để phát triển kinh tế. Đây là giải pháp vừa giải quyết được thu nhập cho người làm công tác đoàn, giúp họ yên tâm công tác, vừa tăng thêm sức mạnh cho các hoạt động đoàn tại cơ sở.
Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào các giải pháp nêu trên cũng được triển khai một cách hiệu quả, vì vậy, phụ cấp xứng đáng cho bí thư, phó bí thư chi đoàn vẫn là bài toán mà các cấp bộ đoàn, địa phương đang loay hoay tìm lời giải.