Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

(Baohatinh.vn) - Các cấp hội LHPN Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn.

Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

Khách mua hàng tại cửa hàng nông sản an toàn luôn yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Được khai trương vào tháng 7/2023, cửa hàng nông sản an toàn của Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên (TDP 13, thị trấn Cẩm Xuyên) đã góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên và người dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hiện, cửa hàng cung cấp hơn 200 mặt hàng nông sản an toàn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh như: thịt lợn hữu cơ Quế Lâm, gạo hữu cơ Cẩm Xuyên ST25, nước mắm Thu Hùng, kẹo cu đơ Thành Đạt, giò lụa Loan Độ, rau, củ, quả sạch...

Chị Trần Thị Thanh Liên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Sau gần nửa năm đi vào hoạt động, cửa hàng nông sản an toàn đã gây dựng được uy tín với người tiêu dùng. Cửa hàng đã mang tới nhiều lợi ích cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò “cầu nối” đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng”.

Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

Hiện cửa hàng nông sản an toàn của Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên cung cấp hơn 200 mặt hàng

Sự ra đời của cửa hàng nông sản an toàn cũng đã giúp thay đổi thói quen của các hộ sản xuất và người tiêu dùng về sử dụng nông sản sạch, chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (TDP 5, thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Cửa hàng nông sản an toàn đã trở thành một địa chỉ mua sắm mới của tôi và chị em ở địa phương. Tại đây, chúng tôi được tiếp cận với các thực phẩm sạch, tươi ngon, phong phú lại an toàn. Ngoài ra, khi mua hàng còn được nhân viên tư vấn cách sử dụng bảo quản thực phẩm hợp lý, bảo đảm đủ nguồn dinh dưỡng, giúp tôi có thêm kiến thức về an toàn thực phẩm”.

Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

Tiểu phẩm “Thực phẩm quê, ắt sẽ sạch” do Chi hội phụ nữ TDP 3 (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) thể hiện với nội dung tuyên truyền người tiêu dùng thông thái, nói không với thực phẩm bẩn.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các cấp hội phụ nữ triển khai lồng ghép với việc thực hiện các nội dung của Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Các cấp hội phụ nữ cũng đã tích cực tuyên truyền tới hội viên và gia đình thực hiện tốt sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch, lựa chọn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng; sử dụng thuốc, chất phụ gia được phép và tuân thủ đúng quy định sản xuất, chế biến thực phẩm...

Chị Nguyễn Thị Thắm - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ: “Với nhiều hình thức như: lồng ghép qua sinh hoạt chi hội, tọa đàm, tuyên truyền qua mạng xã hội... đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP... Đáng nói, các hoạt động này được thực hiện linh hoạt, bám sát điều kiện thực tế của địa phương để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng”.

Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

Nhiều lớp tập huấn về ATVSTP thường xuyên được hội LHPN các cấp tổ chức nhằm cung cấp kiến thức về thực phẩm an toàn cho hội viên.

Không chỉ tuyên truyền, nâng cao kiến thức về bảo đảm ATVSTP cho chị em, các cấp hội ở Hà Tĩnh còn tích cực vận động, hướng dẫn hội viên khi tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm cần tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số cơ sở hội đã xây dựng được các mô hình ATVSTP phù hợp như: tổ hợp tác (THT) “Bếp ăn an toàn” (xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn), mô hình “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” (chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ)...

Chị Đặng Thị Thảo - tiểu thương chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ) cho hay: “Nhiều năm buôn bán thịt tại chợ, để giữ chữ tín, đảm bảo sức khỏe khách hàng, chúng tôi luôn quan tâm, chú trọng công tác ATVSTP. Đặc biệt, từ khi tham gia mô hình “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn”, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, các buổi hội thảo về ATVSTP do các cấp hội LHPN tổ chức, từ đó nâng cao kiến thức cho bản thân và áp dụng vào thực tế quá trình sản xuất, buôn bán của mình”.

Nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, nông sản an toàn

Hội LHPN tỉnh và huyện Đức Thọ tham quan, tư vấn thêm các kiến thức về ATVSTP tại cơ sở sản xuất giò Nhung Tuấn ở thị trấn Đức Thọ (tháng 8/2023).

Được biết, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng thành công 162 mô hình CLB “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu” với gần 8.000 hộ gia đình được công nhận là “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”, trong đó có tiêu chí về sử dụng sản phẩm ATVSTP và đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của gia đình.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã thành lập 9 mô hình ATVSTP, nổi bật như: CLB “Nữ tiểu thương ứng xử đẹp, nói không với thực phẩm bẩn” tại thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Vũ Quang; mô hình “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” tại huyện Đức Thọ; THT lúa, gạo theo hướng hữu cơ tại Đức Thọ, Can Lộc; Cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại Cẩm Xuyên...

Những hoạt động thiết thực của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã nâng cao nhận thức và phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong đảm bảo ATVSTP. Qua đó, góp phần lan toả tới cộng đồng cùng chung tay đảm bảo ATVSTP, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Hội LHPN các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện ATVSTP trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch"... Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, các bếp ăn tập thể. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình an toàn thực phẩm nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Bà Trương Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.