Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ chi 51,7 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023, tăng 26,3% so với cùng kỳ trước đó, đánh dấu đợt tăng cường nguồn lực quân sự lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến II.
Trong ngân sách quốc phòng này, Tokyo sẽ phân bổ 6,7 tỷ USD cho phát triển và mua sắm vũ khí, nhiều hơn 4 năm trước cộng lại. Gần một nửa trong số này sẽ dành cho dự án phát triển tên lửa tầm xa thế hệ mới, cùng 1,6 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ để rút ngắn thời gian biên chế và cải thiện năng lực răn đe.
Tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trên tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2018. Ảnh: US Navy
1,88 tỷ USD sẽ được chi để mua thêm 16 tiêm kích F-35 do Mỹ chế tạo, cùng 770 triệu USD cho dự án phát triển tiêm kích cùng Anh và Italy.
Nhật chưa sở hữu tên lửa hành trình tấn công tầm xa, do hiến pháp nước này quy định các khí tài quân sự chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. Tokyo nhiều năm qua đã nỗ lực diễn giải lại hiến pháp, cho phép họ tung đòn tấn công nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.
Truyền thông Nhật Bản tháng trước dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng Tokyo đã đề nghị Washington bán tên lửa hành trình Tomahawk và nhận được phản hồi tích cực, hai bên đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng.
Một số biến thể tên lửa Tomahawk của Mỹ có tầm bắn khoảng 1.600 km. Nhật Bản có thể chỉnh sửa bệ phóng thẳng đứng trên nhiều tàu chiến hiện nay để khai hỏa tên lửa Tomahawk. Tokyo có thể mua chúng thông qua chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Washington, trong đó chính phủ Mỹ sẽ mua khí tài từ các nhà sản xuất và chuyển giao cho chính phủ nước ngoài.