Nhiều hoạt động hấp dẫn của lễ hội Văn Miếu 2024

(Baohatinh.vn) - Trong tâm thức người Thành Sen, lễ hội Văn Miếu đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Vào dịp giữa tháng Hai âm lịch, người dân lại tụ hội về đây thắp nén hương tưởng nhớ bậc tiên hiền đã làm rạng danh quê hương cũng như tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh.

144d4201328t35988l0.jpg
Toàn cảnh Văn Miếu Hà Tĩnh.

Theo sử sách, Văn Miếu Hà Tĩnh được dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ở làng Hoàn, xã Đông Lỗ (nay là phường Thạch Linh) trên khuôn viên rộng 5.000 m2. Đây là nơi thờ phụng đức Khổng Tử, nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Trước đây, tại Văn Miếu Hà Tĩnh từng có lễ tế xuân, lễ tế thu và là nơi tổ chức các kỳ thi thời phong kiến.

Với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng đó, năm 2000, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Hà Tĩnh với quy mô gần 1,7 ha. Công trình do UBND thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành các hạng mục và trở thành điểm đến của người dân. Văn Miếu Hà Tĩnh không chỉ là nơi thờ tự các bậc hiền tài mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn vinh, khuyến khích tinh thần hiếu học, tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi của các thế hệ học sinh Hà Tĩnh.

151d0094912t46927l0.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng cùng các đại biểu dâng hương lễ tế tại lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2023.

Năm 2024 là năm thứ 3 TP Hà Tĩnh phục hồi lễ hội Văn Miếu nhằm phát huy giá trị di sản, tạo không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đề cao, tôn vinh đạo học đồng thời góp phần tạo lập không gian để giúp giới trẻ tiếp cận gần hơn với lễ hội văn hóa truyền thống này.

Qua các lần tổ chức, lễ hội Văn Miếu đã nhanh chóng trở thành nét đẹp văn hóa, là điểm đến của người dân Hà Tĩnh. Lễ hội được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm với hoạt động dâng lễ, cúng tế cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sự nghiệp giáo dục của mảnh đất Thành Sen nói riêng, Hà Tĩnh nói chung phát triển.

151d0095058t21880l0.jpg
Thi đấu cờ thẻ tại lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2023.

Được biết, năm 2024, lễ hội Văn Miếu sẽ được tổ chức từ 23 - 25/3 (nhằm ngày 14 - 16/2 âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc tại khuôn viên khu di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Theo đó, lễ hội sẽ bao gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ có các nội dung như: lễ rước cổ tế, lễ tế tiên hiền, chư thần, danh nhân; lễ tế của các phường xã (trừ phường Thạch Linh) và các dòng họ có các vị đại khoa được khắc tên vào văn bia; lễ cầu linh ứng vào văn phòng tứ bảo... Phần hội sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động, trò chơi phong phú như: hội sách; hội thi viết chữ đẹp; hội thư pháp ngày xuân; thầy đồ cho chữ; các trò chơi dân gian (kéo co, cờ thẻ...); hội chợ ẩm thực...

151d0002026t37676l0.jpg
Các em học sinh tham gia hội thi viết chữ thư pháp tại Lễ hội Văn Miếu năm 2023.

Là địa bàn diễn ra lễ hội, phường Thạch Linh đang tất bật hoàn thành các công việc để chuẩn bị lễ cúng tế và các trò chơi dân gian tại phần hội. Ông Trương Quang Sơn - Chủ tịch UBND phường Thạch Linh cho biết: “Các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội đang được gấp rút thực hiện. Chúng tôi cũng đã soạn bài văn tế tại lễ hội. Qua bài văn tế, chúng tôi mong muốn gửi đi thông điệp về lòng thành kính, dâng nén tâm nhang của cán bộ, Nhân dân lên bậc hiền tài của quê nhà”.

Công tác thực hiện các “Bia đề danh tiến sĩ” tại Văn Miếu Hà Tĩnh đang được gấp rút thực hiện trước thềm lễ hội.

Công tác thực hiện các “Bia đề danh tiến sĩ” tại Văn Miếu Hà Tĩnh đang được gấp rút thực hiện trước thềm lễ hội.

Háo hức chờ đón lễ hội sắp tới, chị Lương Cẩm Trang (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Năm 2023 là lần đầu tiên tôi tham gia lễ hội Văn Miếu. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần hiếu học, truyền thống yêu quê hương, đất nước của ông cha ta. Lễ hội đã giúp những người trẻ như chúng tôi biết quý trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Hy vọng rằng, lễ hội năm nay sẽ tiếp tục thu hút các bạn trẻ đến tham gia”.

z5231979573740_95ae3cfdfea1bb8f404768636ae4baed.jpg
Văn Miếu Hà Tĩnh đã sẵn sàng cho lễ hội năm 2024.

Ông Hồ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc tổ chức lễ hội Văn Miếu hằng năm là cách để người dân tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, góp phần khẳng định trí tuệ của con người Hà Tĩnh. Đồng thời, đây cũng là hoạt động góp phần phục dựng văn hóa truyền thống của quê hương. Chúng tôi kỳ vọng rằng, lễ hội Văn Miếu năm 2024 sẽ tiếp tục là không gian văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Với sự chuẩn bị công phu của ban tổ chức, hy vọng rằng lễ hội sẽ thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng và cảm xúc sâu sắc trong lòng người dân”.

Đọc thêm

Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.