Chuyện từ những góc phố Thành Sen

(Baohatinh.vn) - Dù có thể không phải sinh ra trên mảnh đất Thành Sen nhưng họ - những công dân thành phố Hà Tĩnh đã gắn bó, cống hiến và chứng kiến sự đổi thay của từng con đường góc phố với niềm tin nơi đây sẽ sẽ trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Ký ức không phai

Tôi tìm đến khu phố Lâm Phước Thọ (tên gọi từ 60 năm trước), nay thuộc tổ dân phố (TDP) 4, phường Bắc Hà để gặp ông Trần Hậu Khánh (SN 1934). Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của phường Bắc Hà. Dù không phải sinh ra ở TP Hà Tĩnh nhưng kể từ năm 20 tuổi cho đến nay, ông đã gắn bó cuộc đời mình với Thành Sen.

b1.jpg
Ông Trần Hậu Khánh (SN 1934)- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh).

“Tôi vốn sinh ra ở xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên), đến năm 1954 thì lên TX Hà Tĩnh để lập nghiệp. Kể từ đó đến nay, cuộc đời tôi gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này, chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm từng góc phố, con đường của Thành Sen” - ông Khánh mở lời.

Như một thước phim lịch sử, lời của ông Khánh đưa tôi về với hình ảnh của Thành Sen những năm đầu sau khi đất nước giành độc lập. “Những năm 1954, 1955, TX Hà Tĩnh còn nhỏ bé lắm. Trung tâm của đô thị chỉ tập trung vào 2 dãy phố hai bên đường Phan Đình Phùng. Lúc đó, đây được coi là nơi sầm uất nhất với nhiều cửa hàng kinh doanh của người Hoa, chủ yếu là kinh doanh thuốc bắc. Nếu hình dung về cảnh quan, kiến trúc của khu phố thì nó giống như chúng ta thấy những phố cổ của Hội An (Quảng Nam) ngày nay. Dù không rộng lớn nhưng trong mắt tôi, thị xã lúc ấy cũng toát lên vẻ hoa lệ khác xa với vùng nông thôn như quê tôi” - ông Khánh kể.

b2.jpg
Một góc Thành Hà Tĩnh thời Pháp thuộc (năm 1934). Ảnh: tư liệu.

Những ngày đầu lên thị xã, nhờ thông thạo Quốc ngữ, chữ Hán và biết một ít tiếng Pháp, ông Khánh được chính quyền mời dạy học cho các lớp bình dân học vụ. Sau đó ông được Ủy ban Tuyên truyền hành chính TX Hà Tĩnh tuyển vào làm cán bộ tuyên truyền. Năm 1961, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 164. Sau thời gian huấn luyện, khi trung đoàn chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu, ông được cử đi học lớp Trung cấp nghệ thuật ở Hà Nội, sau đó về công tác tại Đoàn ca múa Quân khu 3. Năm 1966, ông Khánh được điều về làm cán bộ tại Phòng GTVT huyện Thạch Hà. Năm 1977, ông nghỉ chế độ, trở về tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương với nhiều vai trò. Từ năm 1978-2000, ông là Phó ban cán sự kiêm công tác văn hóa, thể thao của khu phố; từ năm 2000-2017 liên tục làm tổ trưởng các TDP 10, 3 và 4 của phường Bắc Hà; từ 2018 tới nay là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bắc Hà.

Nhớ mãi thời điểm sau khi tách tỉnh vào năm 1991, ông Trần Hậu Khánh trải lòng: “Lúc đó, thị xã nghèo nàn, đơn sơ lắm. Đường phố nhỏ hẹp, các khu phố lụp xụp. Nhà tôi và các hộ dân trong TDP 4 phường Bắc Hà ngày nay chỉ cách đường Phan Đình Phùng chừng 400-500m nhưng không khác gì ở các vùng nông thôn là mấy. Nhà tranh, phên nứa còn nhiều, các hộ gia đình sinh sống bằng nông nghiệp, làm vườn đem rau, củ lên chợ Tỉnh bán…”.

Là thế hệ sinh ra tại Thành Sen, một phần tuổi thơ trải qua bom đạn và lớn lên khi đất nước đã thống nhất, ký ức về TX Hà Tĩnh của chị Võ Thị Vân, Lê Thị Ngân Hà và Lê Thị Bích Thảo (cùng SN 1964) là những ngày tháng khó khăn nhưng rất đỗi yên bình.

Chị Võ Thị Vân - Bí thư Chi bộ TDP 1, phường Nam Hà chia sẻ: “Tôi nhớ mãi những năm tháng khó khăn nhưng thật yên bình trên từng góc phố thị xã những năm 1980. Nhà bố mẹ tôi ở phố Thành Đông, gần đền Võ Miếu, tiếng chuông nhà thờ Tịnh Giang ngân lên mỗi sáng sớm. Những buổi chiều hè chúng tôi rủ nhau ra tắm trên dòng sông Cụt, đứng bên cầu Vồng ngắm nhìn cảnh đồng quê hay dạo chơi bên Hào Thành, rủ nhau đi xem chiếu bóng ở Nhà hát Nhân dân… Mỗi con đường, góc phố thị xã đều thân thuộc, khắc sâu vào ký ức, nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi lớn lên, trưởng thành…”

a5.jpg
Chị Võ Thị Vân (bên trái)- Bí thư Chi bộ TDP1 phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) và người bạn thuở thiếu niên cùng ôn lại kỷ niệm tuổi thơ bên Hào Thành.

Hân hoan thành phố trẻ

Một ngày tháng 3, khi những cơn mưa đã lắng đọng nhường lại cho bầu trời những vạt nắng dịu nhẹ, những hàng cây trên con đường Trần Thị Hường dẫn đến nhà cụ Trần Hậu Khánh đã ánh lên màu lộc biếc.

Cụ Khánh ngắm nhìn phố xá trong nắng mới, mỉm cười hân hoan: “Cháu thấy không, thành phố mỗi ngày mỗi thêm xanh, sạch, khang trang… Đối với thế hệ như bác, đó là niềm hạnh phúc không thể tả. Nhớ ngày nào, khi Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957), khi đó bác còn là một thanh niên làm công tác hậu cần vòng ngoài, thị xã còn đơn sơ, mà nay đã rạng rỡ, hiện đại thế này. Có được điều đó là nhờ vào Đảng, vào Nhà nước, người dân Thành Sen cũng như cả tỉnh đã chung sức xây dựng”.

a3.jpg
Ông Trần Hậu Khánh và các hội viên Người cao tuổi TDP 4, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) phấn khởi khi mỗi góc phố Thành Sen ngày một khang trang hiện đại.

Còn đối với chị Võ Thị Vân, sự đổi thay của quê hương khiến chị vừa lạ, vừa quen. Chị tâm sự: “Quen là đôi khi bản thân mình với vai trò đứng đầu cấp ủy chi bộ của TDP cùng góp công xây dựng, chỉnh trang đô thị mỗi ngày; cùng trăn trở hoàn thành, tính đếm từng phần việc nhỏ để thành phố thêm đẹp. Lạ là thỉnh thoảng lắng đọng suy tư về tuổi thơ, về ký ức chợt thấy thành phố như một “thiếu niên” đã trưởng thành và ngày càng phát triển”.

Trong mỗi bước đường phát triển, Thành Sen lại được nâng cấp, chỉnh trang để xứng với vai trò là đô thị trung tâm, “trái tim” của tỉnh. Một trong những dấu mốc chuyển mình của diện mạo thành phố là công cuộc chỉnh trang đô thị đồng bộ được triển khai vào đầu năm 2023. Những tuyến phố đơn sơ, nhỏ hẹp ngày xưa nay đã đổi khác khi mang trên mình diện mạo của sự hiện đại, năng động. Bên cạnh đó, tại các vùng ngoại ô, thành phố cũng tập trung xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông chiến lược; xây dựng các tiêu chí trong phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh.

16302818789641-9229.jpg
a2.jpg
Đường Phan Đình Phùng năm 1990 và năm 2024.

Anh Trương Hải Đức - Bí thư Đoàn phường Thạch Quý chia sẻ: “Là một người trẻ, tôi cảm thấy tự hào khi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của thành phố qua từng góc phố, con đường... Điều đó khiến tôi luôn tự nhủ phải phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa để chung tay góp sức xây dựng TP Hà Tĩnh ngày càng phát triển.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, đô thị văn minh và chỉnh trang đô thị của các cấp chính quyền, ngoài đóng góp hàng ngàn ngày công, Đoàn phường Thạch Quý còn huy động được hơn 100 triệu đồng từ các nguồn lực xã hội hóa, các hoạt động thể thao để xây dựng những công trình thanh niên, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

a6.jpg
Tuổi trẻ phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) lao động cải tạo khuôn viên sân vận động của phường.

Tạm biệt những công dân Thành Sen mà tôi đã gặp và trò chuyện, đi về giữa những tuyến phố khang trang rộng mở của đô thị trung tâm Hà Tĩnh trong ngày mới, lòng tôi càng trở nên hân hoan. Cũng như bao người, chứng kiến sự đổi thay của “trái tim” quê hương, tôi tự hào và tin tưởng một tương lai không xa, TP Hà Tĩnh sẽ trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ bằng tình yêu và ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).