Nhiều lưu học sinh Hà Tĩnh, Nghệ An tại Lào không về nước tránh dịch

(Baohatinh.vn) - Tại Đại học Quốc gia Lào có hơn 250 lưu học sinh Việt Nam đang theo học và đã có hơn nửa số sinh viên về nước tránh dịch. Hiện có nhiều em là người Nghệ An, Hà Tĩnh ở lại nước bạn, không về nước tránh dịch.

Nhiều lưu học sinh Hà Tĩnh, Nghệ An tại Lào không về nước tránh dịch

Khu ký túc xá sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào

Trong số 250 lưu học sinh Việt Nam theo học tại Đại học Quốc gia Lào, có 180 lưu học sinh thuộc diện hưởng chế độ, còn lại là sinh viên học tự túc. Đã có hơn nửa số sinh viên về nước tránh dịch và đang cách ly tại các cửa khẩu chung với Lào, trong đó đông nhất là Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An).

Đến ngày 14/4, Ủy ban đặc biệt về công tác phòng chống Covid-19 và Bộ Y tế Lào đã công bố quốc gia này có 19 ca mắc Covid-19. Chính phủ đã ban bố lệnh đóng cửa tất cả các cửa khẩu; tạm đóng cửa tất cả hệ thống trường học trong cả nước, đóng cửa toàn bộ các hoạt động văn hóa giải trí, các nhà hàng cũng như các khu du lịch, kể cả hoạt động vui chơi đón tết cổ truyền Bun-pi-may 2020 (Bounpimai).

Các công sở nhà nước cũng tạm đóng cửa và nghỉ từ ngày 1/4 đến hết 19/4 (kèm cả nghỉ tết), đồng thời thực hiện giãn cách xã hội, tuyên truyền người dân không di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác khi không cần thiết, đề nghị kiều bào không về nước đón tết trong dịp này.

Các lưu học sinh của Việt Nam, trong đó có tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ở lại cũng đang nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Lào.

Nhiều lưu học sinh Hà Tĩnh, Nghệ An tại Lào không về nước tránh dịch

Em Lang Trung Thành (người bên phải), quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An ở lại nước Lào, tuân thủ các quy định chống dịch.

Vợ chồng ông Lang Viết Chính - giáo viên Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú 1, tỉnh Nghệ An cho biết, gia đình rất lo lắng khi con trai ông đang học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Nhiều đêm ông ăn ngủ không yên, nếu bảo con về thì lo nhiễm chéo bệnh dịch, nhưng nếu cho con ở lại tại Lào thì gia đình cũng không yên tâm.

Cuối cùng sau khi theo dõi, cập nhật các thông tin về tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước, ông gửi thông tin cho con trai và khuyên con không nên di chuyển về nước trong dịp này, cần ở lại ký túc xá, thực hiện nghiêm túc các quy định chống dịch mà Bộ Y tế hai nước Việt Nam, Lào đề ra.

“Chúng tôi cũng dần an tâm vì các cháu ở ký túc xá nhận được sự tạo điều kiện, quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng như nhà trường, đảm bảo cho các cháu cách ly” - ông Lang Viết Chính cho biết.

Em Lang Trung Thành - con trai ông Lang Viết Chính, cho biết: “Được sự quan tâm của nhà trường, của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Đoàn lưu học sinh nên em tự nguyện ở lại. Chúng em luôn truyền nhau 5 điều ghi nhớ nằm lòng: Thứ nhất: Hạn chế ra ngoài. Thứ hai: Khoảng cách, khẩu trang. Thứ ba: Rửa tay thường xuyên. Thứ tư: Vệ sinh nhà cửa. Thứ năm: Khai báo y tế với nước sở tại khi cần thiết.

Anh em chúng em cũng bảo ban nhau ở lại, cố gắng ăn uống cho đủ chất, ôn luyện bài vở, tập thể thao đầy đủ để có sức đề kháng với dịch bệnh”.

Nhiều lưu học sinh Hà Tĩnh, Nghệ An tại Lào không về nước tránh dịch

Lưu học sinh Việt Nam tình nguyện tham gia các hoạt động chống dịch tại Lào.

Em Kiều Thu Hiền, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm cuối Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Lào, Đại học Quốc gia Lào cho biết, khi nghe tin dịch bệnh, tâm trạng sinh viên ở đây rất hoang mang lo lắng, thế nhưng em nghĩ nếu ai cũng về thì các khu cách ly sẽ quá tải và sẽ thêm gánh nặng cho đất nước.

“Bên phía Đoàn lưu học sinh tại Đại học Quốc gia Lào cũng đã có các biện pháp tuyên truyền và giúp đỡ các sinh viên ở lại và triển khai các chương trình phát khẩu trang miễn phí cho sinh viên nên chúng em khá yên tâm”, Hiền tâm sự.

Tính từ tháng Giêng đến nay, Lào đã xét nghiệm 1.235 trường hợp và phát hiện 19 trường hợp mắc Covid-19. Cũng thời gian trên, lao động Lào từ các quốc gia về nước là 113.404 người, đông nhất là từ Thái Lan và được cách ly tại 2.142 điểm trong cả nước, trong đó tự cách ly tại nhà là 44.870 người.

Tiến sĩ Phu-thon Mương-pạc - Thứ trưởng Bộ Y tế Lào
(TP Vinh - Nghệ An)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.