Nhiều thay đổi khi Luật Căn cước có hiệu lực

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024.

Nhiều thay đổi khi Luật Căn cước có hiệu lực

Người dân làm căn cước công dân tại Công an quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đáng chú ý, dự thảo quy định cụ thể về các trường hợp xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân (ĐDCN) của người dân. Theo Bộ Công an, khi Luật Căn cước có hiệu lực, các bước thực hiện sẽ bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời, không có trung gian, không gây phiền hà cho người dân.

Trường hợp nào xác lập lại số định danh cá nhân?

Theo đó, mỗi công dân Việt Nam khi được thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập một số định danh cá nhân (ĐDCN) duy nhất, không trùng lặp với người khác.

Dự thảo quy định rõ việc hủy số ĐDCN đối với người bị tước quốc tịch, cho thôi quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Người đã được xác lập số ĐDCN mà bị tước quốc tịch, cho thôi quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì bị hủy số ĐDCN.

Dự thảo cũng quy định các trường hợp được hủy và xác lập lại số ĐDCN. Bao gồm công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật; có sai sót về thông tin nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo dự thảo, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an quyết định việc hủy, xác lập lại số ĐDCN đối với các trường hợp được hủy và xác lập lại số ĐDCN.

Sau khi có quyết định hủy, xác lập lại số ĐDCN cho công dân thì cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an cập nhật số ĐDCN mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho công dân về việc xác lập lại số ĐDCN.

Số ĐDCN đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

Không gây phiền hà cho người dân

Liên quan đến việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước , dự thảo nêu rõ thông tin về nhân dạng, thông tin sinh trắc học đối với ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt được thu thập, cập nhật khi thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước cho công dân.

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước...

Trước đó, về thu thập mống mắt, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, trung tướng Lê Quốc Hùng - thứ trưởng Bộ Công an - cho hay sau khi Luật Căn cước có hiệu lực, việc thu thập mống mắt trong thông tin căn cước sẽ tùy thuộc vào các trường hợp cấp mới, cấp lại, cấp đổi.

Từ đó sẽ có các hướng dẫn của các đơn vị có thẩm quyền, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, không có trung gian, không gây phiền hà cho người dân.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết sau khi luật có hiệu lực, người dân đã được cấp căn cước công dân vẫn còn hiệu lực sử dụng sẽ không phải thực hiện việc bổ sung thông tin mống mắt.

Chỉ khi nào họ có nhu cầu cấp căn cước mới, cấp đổi, cấp lại phải thu thập theo quy định của luật. Việc thu thập mống mắt, theo Bộ Công an, để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

Thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước như thế nào?

Dự thảo nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước. Cụ thể, người dân sẽ đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước, cung cấp thông tin số ĐDCN để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp người dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp căn cước. Hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của người dân về cơ quan công an nơi người dân đề nghị.

Trường hợp thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người dân mang theo giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý để cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với giấy chứng nhận căn cước, dự thảo quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan công an quản lý căn cước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước nơi mình sinh sống để đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.