Nỗi đau của vợ chồng thương binh có người con nuôi tật nguyền

(Baohatinh.vn) - Nên duyên sau khi từ chiến trường trở về với nhiều thương tật, vợ chồng ông Hoàng Ngọc Quang, bà Trần Thị Viễn (thôn 5, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) vĩnh viễn mất khả năng sinh con. Trớ trêu thêm, đứa bé bị bỏ rơi mà vợ chồng mang về nuôi không may lại bị tật nguyền. Nỗi lo toan ngày càng nặng bởi bệnh tình của đứa con nuôi trầm trọng hơn trong khi ông bà đã ở tuổi xế chiều.

Tối mặt xoay xở cuộc sống

Sau 8 năm trời mong đợi không thành, năm 1977, ông bà Quang quyết định nhận đứa con nuôi - một đứa bé bị bỏ rơi bên đường. Chỉ được ít ngày, vợ chồng ông Quang phát hiện 1 chân con bị teo nhỏ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc được làm cha, mẹ đã giúp ông bà thêm nghị lực vượt lên nỗi lo, nuôi con ăn học. May mắn lại mỉm cười khi Hoàng Anh lớn lên, dẫu tật nguyền vẫn được một người phụ nữ xã bên (chị Phạm Thị Tâm) đem lòng thương, về chung nhà để cùng xây dựng cuộc sống gia đình. Hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng anh Hoàng Anh sinh được 2 đứa con 1 trai, 1 gái. Người phụ nữ tảo tần, đảm đang với 6 sào ruộng, rồi chăn nuôi lợn, bò để cố gắng tự lập, giảm gánh nặng lo toan cho bố mẹ.

noi dau cua vo chong thuong binh co nguoi con nuoi tat nguyen

Hoàn cảnh của đứa con tật nguyền khiến vợ chồng thương binh già không thể yên lòng.

Thế nhưng, bất hạnh không buông tha những con người khát khao được yêu thương, hạnh phúc. Ngay từ lúc vợ thai nghén đứa con thứ 2, bệnh tình anh Hoàng Anh bắt đầu nặng dần. Mang bụng bầu chở chồng bằng xe máy đi chữa bệnh khắp nơi, nhưng người vợ cũng đành bất lực nhìn cả 2 chân chồng teo nhỏ. Khi đứa con thứ 2 chào đời, anh Hoàng Anh hoàn toàn bị liệt, mọi sinh hoạt đều trên tay vợ.

Chị Trâm kể trong nước mắt: “Lúc đầu, tôi cũng xác định sinh 1 đứa con vì biết anh chẳng có sức lao động, ông bà thì đã già. Nhưng rồi vợ chồng nói với nhau, gia đình mình đơn chiếc quá nên cố cho ông bà 2 đứa cháu. Không ngờ, bệnh tình của anh lại diễn biến xấu nhanh như vậy. Mấy năm trời anh liệt giường, 2 con thơ dại, tôi xoay như chong chóng với việc nhà rồi tìm mọi cách mưu sinh. Có lúc con ốm, chồng đau, tiền thuốc thang không xoay xở được, tôi tuyệt vọng đến mức muốn đi thật xa để trút bỏ gánh nặng này. Nhưng sự chia sẻ, tình thương của ông bà, của chồng, rồi ánh mắt của những đứa con thơ đã giúp tôi xốc lại tinh thần. Ngoài sản xuất, khi có thời gian, tôi lại ngược xuôi buôn đồng nát để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ông nội mấy đứa nhỏ thường động viên tôi: “Bố mẹ dù già yếu vẫn gắng sức cùng con gánh vác những nỗi lo toan, vất vả. Con đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng làm điểm tựa cho bố mẹ và chồng con”.

Không gánh nổi món nợ làm nhà

Dù gia đình ông Quang thuộc diện chính sách, nhà cửa đã xuống cấp nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, gia đình không có tiền đối ứng nên không dám nhận tiền hỗ trợ (40 triệu đồng) của Nhà nước để làm nhà. Khi chính sách hỗ trợ được chuyển sang đối tượng khác thì năm 2015, vợ chồng anh Hoàng Anh lại vay được ngân hàng 50 triệu đồng và quyết định làm 2 gian nhà, tách riêng sinh hoạt để ông bà đỡ khổ. 120 triệu đồng xây nhà kiên cố, một nửa là tiền hưởng chế độ hàng tháng của ông bà tích góp hàng chục năm nay dồn lại. Phần nợ còn lại đến nay đã “sinh sôi” lên 60 triệu đồng.

“Thời gian gần đây, chồng tôi lên cơn đau nhiều hơn. Hai đứa con lại đang ở tuổi cần chăm sóc, học hành. Vì vậy, dù cố gắng đủ đường, tôi cũng chỉ lo trang trải chi phí hàng ngày. Muốn đưa anh ấy đi bệnh viện nhưng không có tiền nên đành chịu, ngay cả thuốc thang để giảm bớt đớn đau cho chồng có lúc cũng chẳng lo nổi. Số tiền nợ ngân hàng gần 3 năm nay chỉ nhân lên tiền lãi chứ không nhìn được vào đâu để trả dần” - chị Trâm cho biết.

Còn ông Hoàng Ngọc Quang bày tỏ: “Tôi đã viết đơn trình bày hoàn cảnh để chính quyền xã đề xuất cấp trên cho gia đình tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ gia đình người có công làm nhà. Mong rằng, hoàn cảnh của chúng tôi được Nhà nước và cộng đồng quan tâm, hỗ trợ. Vợ chồng chúng tôi đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu do di chứng của vết thương chiến tranh. Mong sao món nợ của vợ chồng đứa con đáng thương được san sẻ, để vợ nó yên tâm, đủ sức bươn chải nuôi con, chăm chồng”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Phạm Thị Tâm - thôn 5 xã Cẩm Huy - Cẩm Xuyên, điện thoại: 0917.895.820 hoặc Tòa soạn Báo Hà Tĩnh (số 223 đường Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), STK: 0201000445566 tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Chủ đề Địa chỉ tình thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast