Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

(Baohatinh.vn) - Bến Thủy - Gia Lách, nơi mỗi khúc sông, bến đò hay ngọn núi đều in đậm những dấu ấn lịch sử giữ nước hào hùng. Vùng đất cửa ngõ phía Bắc Hà Tĩnh hôm nay đang vươn mình đầy khát vọng.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Vùng cửa ngõ Bến Thủy - Gia Lách hôm nay đang mạnh mẽ vươn mình (Ảnh: Đậu Hà)

Bến Thủy - Gia Lách là điểm khởi đầu của núi Hồng Lĩnh, có dòng Lam uốn khúc chảy qua, không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, mà còn ghi dấu bởi những địa danh lịch sử như núi Cơm, bến Lách…

Trang sử truyền thống còn ghi rõ: Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Chi bộ Nghi Xuân đã tổ chức treo cờ Đảng trên đỉnh núi Cơm. Ngọn cờ đỏ búa liềm thiêng liêng ấy đã cổ vũ, khích lệ khí thế hàng vạn người dân xứ Nghệ ở 2 bên bờ sông Lam vùng dậy đấu tranh trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Đây được xem là sự kiện mở đầu cho phong trào cách mạng sục sôi trên địa bàn Hà Tĩnh thời kỳ ấy.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Ông Trần Văn Tài (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) kể cho thế hệ cháu con câu chuyện về những năm tháng khốc liệt trên mảnh đất này

Ông Trần Văn Tài (85 tuổi, ở tổ dân phố 3, thị trấn Xuân An), một trong những dân quân tự vệ từng canh gác trên đỉnh núi Cơm năm nào tự hào kể: “Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, núi Cơm đã trở thành điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đây cũng là pháo đài bất khuất của quân dân ta trong chống Mỹ cứu nước.

Trên đỉnh núi là đài quan sát trận địa 12 ly 7, lòng núi cũng được khoét sâu làm nơi chứa vũ khí, quân lương. Đặc biệt, ngọn đèn bên sườn núi đã thức suốt những đêm dài để làm nhiệm vụ hoa tiêu cho hàng vạn chuyến xe vào ra trên phà Bến Thủy an toàn”.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên đỉnh núi Cơm (Ảnh: Đậu Hà)

Dưới chân núi Cơm là bến Lách (Bến Thủy ngày nay) với 5 bến phà vận chuyển người, hàng hóa, đạn dược, vũ khí chi viện tiền tuyến, là điểm đánh phá tập trung, dai dẳng và ác liệt bậc nhất của đế quốc Mỹ ở Quân khu 4.

Nơi đây, với khẩu hiệu “Quyết tử cho bến phà liên tục thông suốt”, ròng rã hơn 10 năm (1964 - 1975), hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân… đã sát cánh bên nhau, hiên ngang trước hàng ngàn tấn bom đạn, hàng trăm quả thủy lôi, hàng nghìn quả pháo sáng của giặc Mỹ.

Sự hy sinh anh dũng, xương máu của các anh đổ xuống đã trở thành bất tử, thành nốt nhạc trầm hùng trong khúc ca khải hoàn của đất nước.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Bến Lách xưa chỉ còn là dấu tích, chiếc cầu phao và những con đò đã trở thành ký ức, thay vào đó là chiếc cầu bằng bê tông cốt thép sừng sững nối 2 bờ Nam - Bắc

Hòa cùng nhịp điệu của kiến thiết, dựng xây đất nước, vùng cửa ngõ Bến Thủy - Gia Lách hôm nay đã mạnh mẽ vươn mình.

Chiếc cầu phao và những con đò chở khách qua Bến Thủy năm xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là 2 chiếc cầu vững chãi như một gạch nối vĩnh cửu qua dòng sông mênh mông, nối tình cảm giữa nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh, nối cả 2 miền Nam - Bắc. Địa danh bến Lách, núi Cơm giờ đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đi qua chiến tranh, đi qua những mất mát đau thương càng khiến người dân nơi cửa ngõ phía Bắc thấm thía giá trị của cuộc sống hòa bình.

Vững tin vào sự chỉ lối soi đường của Đảng, người dân nơi đây đã đoàn kết một lòng để đưa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đi vào cuộc sống. Cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với những kết quả nổi bật là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, sự nhất trí, đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Cây da Gia Lách cũng đã trở thành địa chỉ đỏ bồi đắp tâm hồn, lòng tự hào về quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay

Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An Lê Văn Minh cho biết: “Cùng với khí thế thi đua của người dân ở các địa phương trong xây dựng huyện nông thôn mới, phong trào xây dựng đô thị văn minh ở Xuân An cũng được toàn dân hưởng ứng tích cực.

Sự đồng thuận trong việc hiến đất mở đường, đóng góp tiền của xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, công trình phúc lợi xã hội không chỉ làm đổi thay diện mạo đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của chính người dân”.

Vùng khốc liệt với những hố bom chi chít bên dòng sông Lam, dưới chân núi Hồng hôm nay đã thay da đổi thịt với diện mạo mới.

Với nguồn lực gần 40 tỷ đồng củng cố cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, hội quán thôn, trong đó có gần chục tỷ đồng từ sự đóng góp của người dân, thị trấn Xuân An đã hoàn thiện vững chắc 17/24 tiêu chí đô thị văn minh. Hơn 1.300 người dân Xuân An tình nguyện giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị mới.

Nhịp sống mới ở Bến Thủy - Gia Lách

Khu đô thị mới Xuân An đang hình thành vóc dáng (Ảnh: Đậu Hà)

Đi lên từ truyền thống đấu tranh kiên cường, đánh thức những giá trị văn hóa phong phú của quê hương, huyện Nghi Xuân đã đoàn kết, sáng tạo xây dựng thành công huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh từ năm 2018 và đang được chọn là một trong những địa phương đầu tiên của toàn quốc xây dựng huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Bức tranh của vùng cửa ngõ phía Bắc Hà Tĩnh ngày càng xanh tươi, trù phú gắn với những sắc màu no ấm là minh chứng rõ nét của sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân trên hành trình xây dựng cuộc sống mới.

Những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, nhiều bạn trẻ đang tìm về vùng Bến Thủy, thăm núi Cơm, bến Lách để được sống lại những trang sử hào hùng của đất nước, quê hương.

Niềm xúc động, tự hào đó như mạch nguồn bồi đắp cho tâm hồn của thế hệ hôm nay để họ nuôi lớn, hiện thực hóa những hoài bão xây dựng quê hương giàu đẹp - xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống cho màu xanh cuộc sống hôm nay.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Chủ đề 90 NĂM NGÀY XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).