Nhớ Anh Thanh ơi anh mất thật rồi sao? Mới hôm qua câu chuyện ra vào Anh hăm hở cờ lên mặt trận Giọng say sưa như gió thổi ào ào.. Lại tưởng đưa anh ra chiến trường Đường về vó ngựa thẳng dây cương Ngày mai ai biết chiều nay phải Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương Có lẽ tim anh nóng quá chừng Ngày đêm quen gánh nặng trên lưng Ra đi bao nỗi mừng vui ấy Ngập máu tim anh mạch máu ngừng Tôi chẳng buồn đâu chỉ nhớ anh Mắt không muốn khóc lệ vòng quanh Nước non đau xót như lòng mẹ Mất một người con Nguyễn Chí Thanh Cứ nghĩ như anh vẫn sống hoài Mắt hiền như ruộng lúa nương khoai Hai con mắt sáng bừng như lửa Cái miệng cười tươi sáng dặm dài Ở đâu nghèo đói gọi xung phong Lon nước mo cơm lội xuống đồng Ở đâu tiền tuyến kêu anh đến Tay súng tay cờ lại tiến công Anh vẫn là anh của sớm trưa Của quê hương dãi gió dầm mưa Đẩy cày cách mạng vai không mỏi Gặp mỗi mùa vui vẫn muối dưa Ôi sống như anh sống trọn đời Sáng trong như ngọc một con người Thanh ơi anh mất rồi chăng đấy Cứ thấy như anh vẫn miệng cười. |
![]() |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một vị tướng nông dân |
Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ mới lên đường vào miền Nam công tác, trong thời điểm cách mạng miền Nam đang dâng lên sục sôi, chiến trường đầy cam go và ác liệt. Đại tướng vừa đến gặp và nghe lời dặn dò ân cần của Bác xong, thu xếp động viên vợ con để ngày mai lên đường thì đột ngột chiều 6/7/1967, tại Bệnh viện 108 Hà Nội, Đại tướng đã ra đi sau một cơn đau đột ngột.
Tin vị tướng tài ba mất đã làm nghẹn lòng nhân dân, dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay ngày hôm sau, trên trang nhất Báo Nhân dân đã xuất hiện bài thơ Nhớ Anh của nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói rằng: Thơ là tiếng nói tri ân của đồng bào, đồng chí thì bài thơ Nhớ Anh đúng thực như vậy. Người nghệ sĩ tạc linh hồn vào tượng đã khó, người làm thơ tạc linh hồn vào thơ lại càng khó hơn. Nhưng đọc trọn Nhớ Anh, người đọc có thể xem đây là bức tượng hoàn hảo, là sự khắc họa nổi bật nhất về sự nghiệp, nhân cách, cuộc đời Nguyễn Chí Thanh và được gói trọn ở hai câu thơ trong khổ thơ cuối: Ôi sống như anh sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc một con người”.
Người đọc cảm nhận rằng đây không phải là sự nhận xét riêng của cá nhân nhà thơ nữa, mà là sự đánh giá, ghi nhận đúng nhất của Đảng và nhân dân đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một con người cả cuộc đời phụng sự cho cách mạng. Nguyễn Chí Thanh luôn gần gũi với nhân dân. Ở ông là sự khiêm tốn rèn luyện không ngừng từ thực tiễn nhân dân, sự chịu khó nghiên cứu tài liệu.
Nhiều người từng gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “đại tướng nông dân” bởi tác phong giản dị, hòa đồng với nông dân. Đúng như Tố Hữu viết: Lon nước mo cơm lội xuống đồng. Sự giản dị này ông học được từ phong cách của Bác Hồ, từ phong cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ đồng bào, đồng chí mà ông khâm phục và ngưỡng mộ. Tinh thần của Nguyễn Chí Thanh là tinh thần luôn luôn lạc quan, luôn ở thế tiến công: Anh hăm hở như cờ lên mặt trận/ Giọng say sưa như gió thổi ào ào...
Tinh thần ấy, nụ cười ấy và ý chí, nghị lực phi thường ấy xuyên suốt bài thơ, khiến giọt nước mắt thương nhớ trong thơ thành ngọn lửa niềm tin thắp sáng cho mỗi con người bước tiếp trên con đường cách mạng.
Phan Thế Cải