Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Hải (Hương Khê) đến trao đổi, nắm bắt thêm tình hình khu vực biên giới ở nhà ông Đặng Xuân Kim.
Với ý thức, trách nhiệm của một người có uy tín trong cộng đồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hải Đặng Xuân Kim (ở thôn biên giới Cuồi Trả, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ biên giới. Từ hàng chục năm nay, ông Kim đã âm thầm cống hiến, hỗ trợ lực lượng BĐBP.
Ông Đặng Xuân Kim chia sẻ: “Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở bà con vùng biên phải hỗ trợ tốt cho BĐBP, phải chấp hành nghiêm các quy định khi vào khu vực biên giới, không vượt biên trái phép, không khai thác gỗ và bẫy thú, không tiếp tay cho người lạ xâm nhập đường biên. Khi vào rừng chăn thả gia súc và tận thu lâm sản, thấy có dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, là người thông thuộc địa hình nên tôi thường tham gia hỗ trợ Đồn Biên phòng Hòa Hải tuần tra, kiểm soát địa bàn".
BĐBP đến thăm hỏi, động viên người dân biên giới Hòa Hải để khuyến khích bà con chăm lo làm ăn và tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Là người từng tham gia trong lực lượng BĐBP 5 năm nên hơn ai hết, ông Trương Thế Lực - Thôn trưởng thôn 11, xã Sơn Hồng (Hương Sơn) hiểu được vai trò, tầm quan trọng của mỗi người dân trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới. Ý thức rõ trách nhiệm của mình và được sự động viên, khuyến khích của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sơn Hồng nên 11 năm nay, ông Lực luôn là hạt nhân xung kích trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ông Trương Thế Lực (ngoài cùng bên trái) thường xuyên tham gia lau chùi, phát dọn đường biên, cột mốc.
Ông Trương Thế Lực cho biết: “Nhiệm vụ bảo vệ biên giới là trách nhiệm chung nên tôi luôn nhắc nhở bà con phải có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, không tiếp tay cho các loại tội phạm và khi phát hiện mốc giới có dấu hiệu bị xâm phạm, người dân nước bạn qua biên giới bẫy thú… thì báo ngay cho Đồn Biên phòng Sơn Hồng biết.
Ngoài ra, hằng tháng, hằng quý, tôi tham gia cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ địa bàn, đường biên, cột mốc để góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phòng chống dịch COVID-19, giữ bình yên cho thôn quê…”.
Không quản ngại thời tiết mưa rét, địa hình phức tạp, người dân thôn 11 (xã Sơn Hồng) tham gia tuần tra cùng BĐBP.
Thiếu tá Nguyễn Anh Đức - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Hồng đánh giá: “Những người như bác Lực thực sự là “tai mắt”, là những cánh tay nối dài của BĐBP trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Sự tham gia đắc lực, nhiệt tình của bác Lực cũng như bà con biên giới nơi đây đã tạo môi trường, điều kiện, khí thế cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới trên địa bàn lan tỏa. Qua đó, giúp giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đẩy lùi các loại tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn lợi ích quốc gia, giữ vững an ninh chính trị vùng biên”.
Ông Nguyễn Đình Văn (xã Xuân Hội) nhắc nhở, quán triệt các thành viên trong Tổ tàu, thuyền an toàn số 1 tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo khi sản xuất trên biển.
Trên tuyến biên giới biển từ Nghi Xuân đến Đèo Ngang, nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cũng đang ngày đêm chung tay với lực lượng biên phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ gìn an ninh trật tự trên bờ, hỗ trợ nhau sản xuất trên biển.
Ông Nguyễn Đình Văn - Tổ trưởng Tổ tàu, thuyền an toàn số 1, xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Dưới sự động viên, hỗ trợ của Đồn Biên phòng Lạch Kèn, chúng tôi đã đoàn kết, tương trợ nhau trong tìm kiếm ngư trường, bảo vệ ngư cụ, giúp nhau khi gặp nạn, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, khi thấy tàu lạ xâm nhập vùng biển, tàu giã cào đánh bắt sai vùng quy định... thì chúng tôi đều nhanh chóng thông báo cho BĐBP và hỗ trợ phương tiện để các anh làm nhiệm vụ”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn xuống tận thuyền để nhắc nhở bà con ngư dân đánh bắt an toàn, chấp hành nghiêm Luật Thủy sản và kịp thời thông tin tình hình trên biển.
Thiếu tá Phan Xuân Luận – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Phụ trách địa bàn rộng, có số lượng tàu thuyền thuộc diện lớn nhất tỉnh nên chúng tôi đã vận động thành lập được 21 “Tổ tàu, thuyền an toàn”, “Tổ an ninh tự quản trên biển” ở 9 xã biên phòng với hàng ngàn ngư dân tham gia.
Hiện nay, các tổ, các thành viên đều tham gia khá tích cực, hiệu quả, nhất là trong việc chấp hành các quy định khi tham gia đánh bắt, cung cấp thông tin trên biển cho BĐBP, hỗ trợ đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào xâm nhập, đánh bắt vùng biển trái phép…”.
Cán bộ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn tham gia cùng BĐBP tuần tra bảo vệ rừng gắn với bảo vệ biên giới.
Thượng tá Hồ Năng Bảo – Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Hà Tĩnh thông tin: Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của Nhân dân khu vực biên giới với các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thổ quốc gia.
Hiện, trên 2 tuyến biên giới Hà Tĩnh đang có 122 tập thể với 11.854 hộ gia đình tham gia mô hình “Tự quản đường biên, mốc quốc giới”; 921 tổ với 6.260 người tham gia “Tổ tự quản an ninh trật tự ở thôn, xóm”; 268 tổ/2.166 thuyền viên tham gia “Tổ tàu, thuyền an toàn”; 24 tổ bến bãi an toàn... Những “cánh tay nối dài” này hoạt động ngày càng hiệu quả đã góp phần quan trọng để BĐBP Hà Tĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.