Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh)
Tọa lạc tại TP Hà Tĩnh, đúng như tên gọi - “Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh” là nơi cách đây 68 năm - ngày 15/6/1957, Bác Hồ đã đến thăm và căn dặn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng những tình cảm quý báu của Người với quê hương Hà Tĩnh, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện năm xưa được tôn tạo, chăm sóc, trở thành địa chỉ đỏ để Nhân dân tưởng nhớ Người.
Lưu giữ ký ức về sự kiện trọng đại, tỉnh đã tôn tạo hồ sen và cầu ao. Tại đây, tượng Bác Hồ được đặt ở nơi trang nghiêm nhất, hồ sen được tôn tạo lại, có đài phun nước, có cầu ao… Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.
Những ân tình và lời dặn dò của Người đến nay vẫn nguyên giá trị, là động lực để Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ)
Cố Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931) sinh ra tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán ở xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau khi về nước hoạt động, đồng chí Trần Phú bị địch bắt giam, tra tấn dã man. Trước lúc hy sinh dưới đòn roi kẻ thù vào sáng 6/9/1931, tại nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), đồng chí Trần Phú nhắn nhủ lại các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Đầu năm 1999, sau khi tìm thấy hài cốt đồng chí Trần Phú ở TP Hồ Chí Minh, cùng với Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và rước hài cốt đồng chí về an táng tại quê nhà, trên núi Quần Hội, thuộc thôn Châu Linh (xã Tùng Ảnh).
Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh được chia làm 2 phần: khu mộ và khu lưu niệm. Khu mộ đồng chí Trần Phú đặt trên đồi Quần Hội, hướng nhìn ra bến Tam Soa. Khu mộ khởi công xây dựng vào tháng 1/2000 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Cách khu mộ gần 1 km là khu nhà thờ và nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú. Nhà lưu niệm trưng bày hơn 100 tài liệu, hiện vật về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú.
Khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên)
Cách TP Hà Tĩnh 20 km về phía Nam theo QL1A, quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một nhà nho nghèo yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.
Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gồm khu mộ và khu lưu niệm. Khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được đặt tại đồi Đồng Lem, diện tích hơn 1 ha, được xây dựng vào cuối năm 2009.
35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7/1936 - tháng 3/1938), đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; đặc biệt trong việc xây dựng đường lối và khôi phục tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng từ Trung ương đến cơ sở.
Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề có tính chiến lược, sách lược của cách mạng, có vai trò quyết định tạo nên cao trào Dân chủ Đông Dương (1936-1939), tạo tiền đề quan trọng để dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Công lao, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập cũng như câu nói nổi tiếng của đồng chí trước kẻ thù: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động” đã thúc giục các thế hệ tiếp tục học tập và noi theo.
Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng (xã Việt Tiến, Thạch Hà)
Cách TP Hà Tĩnh 15 km về hướng Nam và cách TP Vinh (Nghệ An) 45 km theo hướng Bắc, Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng là nơi an nghỉ của anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Đây là công trình của tuổi trẻ cả nước và nhân dân Hà Tĩnh nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Công trình phần mộ anh Lý Tự Trọng đã được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 2014.
Anh Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914, tại Thái Lan, nguyên quán ở xã Việt Xuyên (nay là xã Việt Tiến, Thạch Hà)
Năm 1926, tại Thái Lan, chàng trai trẻ là một trong 8 người được nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo để xây dựng tổ chức cộng sản tại Việt Nam về sau.
Cuối năm 1926, tại Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên Lê Hữu Trọng thành Lý Tự Trọng, đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam". Anh sau đó được cử đi học, làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu. Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về Việt Nam, nhận nhiệm vụ liên lạc, vận động thanh niên để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Anh lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, hết sức thiêng liêng, cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam với câu nói bất hủ "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".
Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc)
Nằm cách quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Nghèn (Can Lộc) khoảng 1,5 km về hướng Đông là Bến đò Thượng Trụ (thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/1930.
Vào tháng 3/1930, vùng hoang vắng với những rặng bần, cỏ lau rậm rạp, ít người qua lại tại Bến đò Thượng Trụ được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh. Gần 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Trần Hữu Thiều về Hà Tĩnh liên lạc, kết nối với các tổ chức Đảng để tiến hành hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân toàn tỉnh đã đứng lên đấu tranh làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Từ cuộc tập dượt ấy, tháng 8/1945, cùng với cả nước, Hà Tĩnh trở thành một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh (thị trấn Nghèn, Can Lộc)
Ở ngay giữa công viên Xuân Diệu ở thị trấn Nghèn (Can Lộc), Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh có nghĩa lịch sử to lớn, lưu lại những dấu ấn lịch sử thời kỳ cách mạng 1930 - 1931. Nơi đây là điểm hội tụ các đoàn biểu tình đến từ nhiều xã thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà và các vùng lân cận. Nhằm thị uy tinh thần đấu tranh của Nhân dân địa phương, giặc Pháp và tay sai đã biến ngã ba Nghèn thành pháp trường tra tấn, hành quyết nhiều chiến sĩ cộng sản và nhiều người dân yêu nước...
Tượng đài được hoàn thành xây dựng vào dịp kỷ niệm 80 năm phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2010). Cụm Tượng đài nông - binh gồm ba khối đá xanh cao 14m, thể hiện tinh thần quật khởi năm xưa và nhắc nhớ thế hệ mai sau trân trọng ý nghĩa của độc lập tự do; cùng chung tay dựng xây quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với quê hương Xô viết anh hùng.
“Làng đỏ” Phù Việt và nhà cụ Mai Kính (xã Việt Tiến, Thạch Hà)
Nằm trong chuỗi những di tích lịch sử gắn liền với phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1945, “Làng đỏ” Phù Việt (nay là xã Việt Tiến) là nơi ghi dấu phong trào cách mạng sôi nổi nhất của huyện Thạch Hà thời bấy giờ. Nơi đây từng diễn ra Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ nhất vào tháng 9/1930 tại nhà cụ Mai Kính. Phát hiện Phù Việt là trung tâm đầu não của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thực dân Pháp đã tìm mọi cách đàn áp, tiêu diệt, trong đó có sự việc chúng đốt cháy 270 ngôi nhà của người dân trong làng.
Năm 1990, nhà cụ Mai Kính được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nhà cụ Mai Kính cũng được các cấp chính quyền bảo tồn, gìn giữ, trở thành địa chỉ đỏ để du khách đến tham quan và tìm hiểu lịch sử cách mạng.
Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc)
Nằm trên quốc lộ 15A, cách thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) khoảng 11 km về hướng Tây, Ngã ba Đồng Lộc là địa danh nổi tiếng trong cả nước về thời kỳ chống Mỹ. Nơi đây từng là huyết mạch giao thông nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Tính chất là “yết hầu” của mạch máu giao thông khiến kẻ địch điên cuồng bắn phá.
Tại đây, từ tháng 4/1965 - tháng 10/1968, không quân Mỹ đã tập trung đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại dội xuống, bình quân trên 1m2 đất hứng chịu ít nhất 3 quả bom. Dù vậy, với ý chí kiên cường, hàng vạn người, đủ các lực lượng vẫn ngày đêm bám trụ nơi “chảo lửa”, quyết tâm làm nhiệm vụ phá bom, thông đường cho những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến.
Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt của cuộc chiến không cân sức với bom đạn cường quyền của đế quốc Mỹ, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường chi viện người và của cho tiền tuyến. 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng thanh niên xung phong, giao thông vận tải, dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 nữ Anh hùng, liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và Anh hùng, liệt sỹ Võ Triều Chung.
Ngã ba Đồng Lộc trở thành Khu Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho Nhân dân và tuổi trẻ cả nước.
Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên)
Đồng chí Lê Duẩn (1907- 1986), tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, là lớp người đầu tiên hưởng ứng và đi theo con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Trong quá trình hoạt động của mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người có nhiều quyết sách giúp công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành xây dựng chỉ trong thời gian ngắn (1976-1980), vượt sớm so với kế hoạch 10 năm.
Để tri ân công lao to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (1831-2011), được sự đồng ý của gia đình, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư xây dựng đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ngay trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ. Đây là nơi Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nghỉ lại trong chuyến về thăm Hà Tĩnh và đi thị sát trực tiếp công trình Kẻ Gỗ.
Ngày 18/3/2022, đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây vừa là địa điểm văn hoá tâm linh để du khách thập phương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại mảnh đất Hà Tĩnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng là điểm nhấn du lịch chào đón du khách thập phương khi về Hà Tĩnh.
Trung tâm hành chính tỉnh Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh)
Trung tâm hành chính tỉnh Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) là nơi đặt trung tâm tỉnh lỵ từ ngày thành lập tỉnh Hà Tĩnh (1831) và là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trung tâm hành chính tỉnh hiện nay được đóng ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tòa nhà làm việc của Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh nằm gần kề nhau với khoảng không gian khá thoáng rộng, phía trước mặt là công viên trung tâm thành phố; bên phải tòa nhà HĐND, UBND tỉnh là Khu lưu niệm Bác Hồ. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm TP Hà Tĩnh, tòa nhà làm việc của Tỉnh ủy và HĐND, UBND gần nhau tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân thực hiện giao dịch hành chính, liên hệ công tác.