Hân hoan “chào” Tết

(Baohatinh.vn) - Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.

Chị Nguyễn Thị Trang Nhung (thị trấn Cẩm Xuyên): Du xuân những ngày đầu năm mới

bqbht_br_trang-nhung-1.jpg
Chị Nguyễn Thị Trang Nhung.

Làm kinh doanh nên thời gian nghỉ Tết của vợ chồng tôi không bị bó hẹp như những người khác. Thế nên, nhiều năm nay, chúng tôi đều lên kế hoạch đi du lịch để có thêm trải nghiệm vào dịp Tết. Ngay sau những ngày đầu năm mới đón Tết cùng gia đình, người thân, thăm hỏi, chúc sức khỏe họ hàng và bạn bè, từ ngày mùng 4, cả gia đình bắt đầu chuyến du xuân.

Điểm đến trong hành trình đầu xuân của chúng tôi thường là những vùng miền trong nước, có khi đi nước ngoài. Mỗi chuyến đi là một dịp để chúng tôi thư giãn, nghỉ ngơi và trải nghiệm những điều mới mẻ, quý giá và gắn kết sau một năm bộn bề với công việc làm ăn, học hành. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về phong tục đón Tết và văn hóa của các vùng đất mới.

Tết năm nay, gia đình tôi cũng đã lên kế hoạch cho một chuyến “phượt” tới các tỉnh phía Bắc. Tôi hy vọng đây sẽ là một chuyến đi thú vị, khởi đầu cho một năm mới nhiều điều an lành, hạnh phúc, thành công.

bqbht_br_le-thi-quynh-nga-1.jpg
Chị Lê Thị Quỳnh Nga.

Chị Lê Thị Quỳnh Nga (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh): Mong chờ khoảnh khắc được về quê đón Tết

Sinh sống và làm việc tại TP Hà Nội nhiều năm nay, nhưng mỗi độ xuân về, vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng gác lại những bộn bề cuộc sống chốn đô thành để về quê tận hưởng những ngày Tết sum họp bên gia đình, họ hàng.

Cũng như những năm trước, năm nay, cả gia đình sẽ cố gắng sắp xếp để về quê đón Tết sớm nhất có thể. Gia đình có 2 con nhỏ nên chúng tôi chọn ô tô cá nhân làm phương tiện về quê, vừa chủ động về thời gian, vừa tiện lợi cho việc di chuyển. Dù quãng đường khá xa, mật độ giao thông cao nhưng về quê đón Tết đã trở thành niềm mong chờ của cả gia đình.

Với các con tôi, đón Tết ở quê có rất nhiều thi vị, đó là được quây quần cùng ông bà bên mâm cơm đoàn viên, là được cùng bố mẹ đi chúc Tết bà con lối xóm. Tết cũng là dịp để chúng tôi có thời gian dành sự quan tâm cho ông bà, bố mẹ, gắn kết tình cảm gia đình và gặp gỡ bạn bè, người thân sau một năm xa cách.

Chị Kiều Thị Ngân (xã Quang Diệm, Hương Sơn): Tự hào trước sự đổi thay của quê hương

bqbht_br_z6245196901493-c25be228eecbf8dd4caca4ea7ce4729e.jpg
Chị Kiều Thị Ngân.

Mỗi khi Tết đến, xuân về, dù có đi đâu, làm gì thì quê hương vẫn luôn là điểm hẹn ngọt ngào trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Với tôi, điều này cũng không ngoại lệ. Sau gần 3 năm tới đất nước Nhật Bản làm việc, năm nay, niềm mong ước được đón Tết ở quê nhà với tôi đã trở thành hiện thực. Những ngày tháng ở xứ sở hoa anh đào, dù bận rộn với công việc, song tôi vẫn luôn dõi theo sự đổi thay của quê hương qua những bức ảnh, những đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội. Dẫu vậy, vẫn không gì có thể sánh bằng cảm giác được tận mắt chứng kiến quê mình ngày càng đổi mới.

Những con đường làng bây giờ đã được trải nhựa phẳng lì, nhà cao tầng mọc lên san sát, đèn đường sáng lung linh... Dù có chút ngỡ ngàng trước sự thay đổi của quê hương, nhưng sâu thẳm trong lòng tôi vẫn là niềm vui sướng xen lẫn tự hào.

Những ngày Tết ở quê, tôi dự định sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc ấm áp, sum vầy bên gia đình, sẽ thức cùng mọi người chờ đón giờ phút giao thừa, đi chúc mừng họ hàng, gặp gỡ bạn bè, đi lễ chùa... Tôi cũng sẽ tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của ngày Tết bằng những bức ảnh đẹp để có thêm động lực khi trở lại Nhật Bản làm việc.

Ông Phạm Văn Trung (xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh): Tết ấm nồng tình làng nghĩa xóm, gắn kết tình thân

bqbht_br_pham-van-trung-1.jpg
Ông Phạm Văn Trung.

Những ngày giáp Tết, thôn Hoa Đông (xã Kỳ Hoa) - nơi tôi đang sinh sống trở nên rộn ràng, tất bật hơn. Nhà nào cũng hào hứng với việc sắm sửa đón Tết. Đặc biệt, tục lệ “đụng” lợn ăn Tết của bà con trong thôn đã trở thành một nét văn hóa truyền thống. Cả khu dân cư cùng nhau làm thịt lợn, chia đều phần thịt cho mỗi gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, trang trí các tiểu cảnh để đón Tết.

Theo thông lệ, cứ vào sáng mùng 1 Tết, cả thôn lại tập trung tại nhà văn hóa để chào cờ đầu năm. Tiếng nhạc vang lên rộn rã, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tạo nên một không khí trang nghiêm và phấn khởi. Ở quê tôi, mỗi dịp Tết, các gia đình sẽ tổ chức những bữa cơm thân mật để mời họ hàng, làng xóm. Đây cũng là dịp để chúng tôi ngồi lại cùng nhau trò chuyện, ôn những kỷ niệm đẹp và chia sẻ dự định, kế hoạch trong năm mới.

Với tôi, Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn lắng lại, để cảm nhận tình làng nghĩa xóm sâu sắc, tình anh em, họ hàng bền chặt, gắn kết. Tôi mong rằng, những giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ mãi được giữ gìn và phát huy.

Chủ đề Chào năm mới 2025

Đọc thêm

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.