Bức ảnh cậu bé được bác sĩ Hamza Hassan chia sẻ với CNN
Cậu bé mới chỉ biết đi này là một trong những nạn nhân không được nhắc đến của các cuộc giao tranh liệt hồi tuần qua ở Đông Ghouta, Syria, khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Nói với CNN hôm 23/2, bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng Hamza Hassan hiện làm việc ở bệnh viện Arbeen, Đông Ghouta cho hay, không ai biết tên cậu bé, bố mẹ cậu là ai hay chính xác điều gì đã xảy ra với em.
Cậu được đưa đến bệnh viện Arbeen hôm 22/2 sau khi cơ sở y tế ở thị trấn Saqba, Đông Ghouta - nơi cậu được điều trị trước đó, bị hư hại do bom đạn từ các cuộc giao tranh.
“Cậu bé không bị thương bên ngoài, chúng tôi đoán em có vấn đề về thần kinh hoặc bị thương bên trong”, Hassan nói qua ứng dụng tin nhắn thoại WhatsApp. Các cuộc điện thoại thông thường hiện không thể kết nối ở Đông Ghouta - khu vực đang bị bao vây ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Cậu bé khoảng độ từ 1 đến 1 tuổi rưỡi. “Em vẫn thở nhưng bất tỉnh. Chúng tôi không biết bố mẹ em hiện ở đâu. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt. Có rất nhiều trường hợp tương tự thế này ở đây, đó là những đứa trẻ sơ sinh và mới chỉ biết đi được tách khỏi bố mẹ để sơ tán đến nơi an toàn”, bác sĩ Hassan nói.
Chia sẻ hình ảnh cậu bé với CNN, ông Hassan hy vọng em có thể sớm đoàn tụ với gia đình mình.
Tin nhắn thoại của Hassan bất ngờ bị gián đoạn bởi một tiếng nổ lớn. Vị bác sĩ giải thích một tòa nhà ở gần đó vừa bị trúng bom.
Bác sĩ điều trị cho một em bé ở Đông Ghouta hôm 25/2. (Ảnh: CNN)
Hiện ước tính có khoảng 400.000 người dân mắc kẹt ở Đông Ghouta. Họ sống trong sợ hãi mỗi ngày ở những căn hầm trú ẩn dưới lòng đất. CNN cho hay, chỉ tính riêng từ đêm 18/2 đến 23/2, ít nhất 400 người đã thiệt mạng, nhiều người bị thương khi quân đội chính phủ Syria tấn công vào khu vực này.
Các bác sĩ và những nhà hoạt động cho biết các cơ sở y tế, thậm chí cả các xe cứu thương, đang bị tấn công một cách có chủ ý. Theo Liên minh các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế (UOSSM), 26 cơ sở y tế đã trở thành mục tiêu của những vụ bắn phá kể từ ngày 19-22/2, hơn 10 xe cứu thương đã bị hư hại.
“Tình hình rất khó khăn và không thể chịu đựng nổi. Chỉ tính riêng trong ngày 23/2, ở khu vực Đông Ghouta có 91 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương. Một số người không thể qua khỏi do không có xe cứu thương kịp thời”, bác sĩ Hassan cho biết.
Bệnh viện nơi ông Hassan làm việc trước đây ở thị trấn Erbin, Đông Ghouta cũng đã phải tạm dừng hoạt động sau một cuộc không kích hôm 20/2.
Trong một tuyên bố ra hôm 23/2, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cáo buộc các lực lượng Syria đã sử dụng bom thùng phuy (loại bom có tính sát thương cao khi chất nổ TNT trộn với nhớt được nhồi vào thùng phuy với số lượng lớn) và các loại vũ khí khác để thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi vào các khu dân cư, bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
HRW dẫn lời kể các nhân chứng cho biết, trong ngày 21/2, một quả bom đã phát nổ ngay cạnh một chiếc xe cứu thương đang trên đường đến hiện trường một vụ không kích.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 20/2 ra một thông cáo với tựa đề “Chiến tranh đối với trẻ em ở Syria”. Thông báo cụt ngủn rằng: “Không từ ngữ nào có thể biện minh cho những trẻ em, bố, mẹ và những người thân của họ đã bị giết hại”.
Một em nhỏ được điều trị tại một bệnh viện ở Đông Ghouta. (Ảnh: CNN)
Tiếp theo lời mở đầu trên là 10 dòng trống và một phần ghi chú giải thích. “UNICEF ra một thông cáo trống. Chúng tôi không còn từ nào để diễn tả sự thống khổ của trẻ em ở Syria cũng như sự căm phẫn của chúng tôi. Những kẻ gây ra tội ác này có gì để biện minh cho những hành động của mình?”.