Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

(Baohatinh.vn) - Tháng 5, khi những dư âm về ngày giải phóng miền Nam chưa dứt thì những đợt sóng cảm xúc về chiến dịch Điện Biên lại vỗ vào niềm tự hào của muôn triệu công dân Việt. Và, trong những ngày lịch sử này, tôi có cơ duyên được gặp gỡ với người cựu binh ở Hà Tĩnh từng tham gia chiến dịch chấn động địa cầu…

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Tháng 5, khi những dư âm về ngày giải phóng miền Nam chưa dứt thì những đợt sóng cảm xúc về chiến dịch Điện Biên lại vỗ vào niềm tự hào của muôn triệu công dân Việt. Và, trong những ngày lịch sử này, tôi có cơ duyên được gặp gỡ với người cựu binh ở Hà Tĩnh từng tham gia chiến dịch chấn động địa cầu…

Cuộc gặp gỡ với với cựu chiến binh chống Pháp Nguyễn Văn Niêm, thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) đã bồi đắp thêm cho tâm hồn tôi nhiều cảm xúc đẹp đẽ. Ông Niêm năm nay đã 95 tuổi, đôi tai ông tuy không còn tinh tường nữa nhưng đôi mắt vẫn sáng và trí tuệ vẫn còn mẫn tiệp. Chị Trần Thị Liệu - con dâu ông cho biết: “Sáng nào ông cũng dậy từ 5h sáng để đi bộ 1 vòng quanh thôn tập thể dục. Hàng ngày, ông vẫn đọc sách báo và gặp gỡ bạn bè. Thỉnh thoảng, mấy cụ cao tuổi trong làng vẫn đến để trò chuyện và ôn lại những ngày chiến đấu năm xưa”.

Khi biết chúng tôi đến để hỏi chuyện Điện Biên năm xưa, ông Niêm rất vui. Ông nói: “Bây giờ tôi cứ nhớ nhớ quên quên nhiều thứ nhưng ký ức những năm tháng ấy thì không thể nào quên được. Những ngày cùng đồng chí, đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy là những ngày đẹp đẽ nhất trong quãng đời thanh xuân của tôi”.

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Ông Nguyễn Văn Niêm tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1949, là bộ đội pháo binh, thuộc Đại đoàn 351 là một trong những đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1951, ông Nguyễn Văn Niêm và đồng đội đã phải cắt rừng, xẻ núi lên Cao Bằng và sang Vân Nam (Trung Quốc) để nhận vũ khí. “Những ngày đội mưa, đội nắng vượt sông, luồn rừng để mang vác vũ khí ấy dẫu vất vả nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với những ngày khoét núi, đào hầm để vận chuyển các loại pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ” - ông Niêm chia sẻ.

Trong bồi hồi, xúc động, chúng tôi đã cùng cựu chiến binh Nguyễn Văn Niêm nhớ lại chiến dịch thần thánh của bộ đội Việt Nam. Điện Biên Phủ là chiến dịch lần đầu tiên quân ta chủ trương đánh hiệp đồng binh chủng pháo binh và bộ binh. Ban đầu, với phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta đã tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội hoàn thành đường kéo pháo và đưa pháo vào trận địa dã chiến.

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Ngày 6-12-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Pháo được vận chuyển hoàn toàn bằng ô tô đến tập kết ở Tuần Giáo, chờ làm đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên. Sau 1 tháng, con đường Tuần Giáo - Điện Biên dài 80 km đã được mở, pháo tiếp tục được vận chuyển đến cửa rừng Nà Nham, xã Nà Nhạn, rồi từ đây bắt đầu công cuộc kéo pháo hoàn toàn bằng tay lên các triền núi xung quanh lòng chảo. Đây cũng là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Con đường kéo pháo bằng tay dài chừng 15 km, nằm trên địa hình hiểm trở, lắm dốc cao, vực sâu đã được bộ đội ta khai mở. Từ con đường này, những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đã được đưa vào căn cứ.

Về sau, khi ta quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, pháo lại được lệnh kéo ra, quay về vị trí tập kết. Khi có trong tay tấm bản đồ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta đã dựa vào đó để xây dựng đường cơ động cho pháo gồm 6 tuyến, dài 70 km, qua nhiều vùng đồi núi cao nối liền từ phía Đông sang phía Bắc Mường Thanh, có thể bắn tới mục tiêu xa nhất là Hồng Cúm.

Hò kéo pháo. Sáng tác: Hoàng Vân (nguồn video từ internet)

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Dân công tải gạo bằng xe đạp thồ lên Điện Biên (ảnh 1). Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa (ảnh 2). Bộ đội ta xung phong trên đồi Him Lam (ảnh 3). Tướng De Castries, chỉ huy lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các sĩ quan cao cấp người Pháp ra đầu hàng quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954 (ảnh 4). Ảnh Tư liệu

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Niêm nhớ lại: “Ngoài việc khoét núi mở đường, chúng tôi còn phải thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn là xây dựng các hầm pháo. Đó là những ngày mà sau này như nhà thơ Tố Hữu miêu tả là “máu trộn bùn non”. Hầm phải nằm sâu trong lòng núi, đủ rộng để pháo thủ dễ dàng thao tác, đủ dày để an toàn cho lựu pháo 105 mm. Đào một hầm pháo trung bình phải moi từ lòng núi khoảng 200 tới 300 khối đất đá, rồi đổ toàn bộ lên nắp hầm. Gỗ lát nóc hầm có đường kính từ 30 cm trở lên, phải lấy từ vị trí cách xa khoảng 9 - 10 km nhằm không làm lộ trận địa. Các trận địa lựu pháo được bố trí cách khu trung tâm Mường Thanh khoảng 7 km và cách các vị trí ngoại vi 4 - 5 km. Do đó, chúng tôi cần phải ngụy trang sao cho vừa tránh máy bay trinh sát của địch, vừa không để cho quân địch ở các vị trí ngoại vi nghe được tiếng nổ mìn phá đá, chặt cây, đào đất”.

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

17h30 ngày 7-5-1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, Tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Nhắc tới ký ức này, đôi mắt cựu chiến binh Nguyễn Văn Niêm lại ầng ậc nước khi nhớ đến sự hy sinh của đồng đội, đồng chí, nhất là người đồng đội Trần Trắc quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa). “Bên mỗi trận địa thật đều có một trận địa giả để thu hút bom đạn địch. Trong khi ta kéo pháo về căn cứ, anh Trần Trắc cùng một số đồng đội khác làm nhiệm vụ nghi binh và bị hy sinh. Khi tiếng súng đã ngưng, chúng tôi đi tìm xác đồng đội. Tay cào bới trong đất, mắt nhòe nhoẹt nước. Chính tôi là người đã chôn anh Trần Trắc vào lòng đất Điện Biên. Đau đớn lắm nhưng chính nỗi đau ấy đã tiếp thêm sinh lực, ý chí cho chúng tôi chiến đấu” - ông Niêm chia sẻ thêm.

Trong ngày mở màn chiến dịch (13/3/1954) với mục tiêu tiêu diệt “trung tâm đề kháng” Him Lam của địch, Đại đoàn công pháo 351 của ông Niêm (lúc bấy giờ đã sáp nhập với Đại đoàn 304) được trao nhiệm vụ tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng. Đơn vị của ông cùng các đơn vị khác đã tạo nên một cơn mưa đại bác vào cứ điểm của địch, khiến cho chỉ huy pháo binh của Pháp là Charles Piroth đã tự sát trong hầm chỉ huy của mình vì bất lực. Đó là động lực để trong suốt nhiều ngày tiếp theo của chiến dịch, bộ đội pháo binh tiếp tục “sát cánh” với bộ binh tấn công các cứ điểm địch rồi giành thắng lợi cuối cùng vào chiều 7/5/1954.

Những ngày khoét núi, ngủ hầm không thể nào quên…

Dù đã 95 tuổi nhưng CCB Nguyễn Văn Niêm vẫn còn mẫn tiệp và thường xuyên đọc sách báo.

Sau khi chiến dịch Điện Biên giành thắng lợi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Niêm trở về Xuân Mai (Hà Tây cũ) và đến năm 1956 thì xuất ngũ về quê, sống đời thanh bạch cho đến hôm nay. Bây giờ, khi đã sống gần trọn thế kỷ, ông Niêm vẫn không thể nào quên những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ và ý nghĩa ấy. Ông vẫn thường nói với cháu con, dù làm gì, ở đâu cũng phải chọn cách sống đẹp đẽ, phải vì mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh: Phong linh & nguồn ảnh tư liệu

thiết kế: huy tùng

Chủ đề CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.