Để có được một “tác phẩm” đẹp, ngoài đôi mắt tinh tế, cảm nhận nghệ thuật, người cắm hoa còn dồn hết trái tim, tâm huyết của mình vào đó.
Hơn 22 năm gắn bó với nghề cắm hoa, chị Nguyễn Thị Tố Nga, chủ shop Tố Nga ở đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) có thể đọc tên vanh vách hàng trăm loài hoa. Chị Tố Nga cho biết: “Có như thế thì mới có thể sử dụng phù hợp từng loài cho từng chủ đề, cũng như biết cách bảo quản, phối màu phù hợp được. Đôi khi chỉ một loại hoa cũng đủ để làm nên một bó hoa, lẵng hoa đẹp nhưng cũng có lúc phải biết kết hợp giữa các loài hoa với nhau thì mới làm nên một tác phẩm khiến người nhìn phải xuýt xoa. Không chỉ thế, các phụ kiện đi kèm đa dạng, phong phú mà với mỗi loài hoa, mỗi dáng bình phải lựa chọn một kiểu phù hợp. Ngoài ra, cùng với cập nhật các xu thế, kiểu dáng mới, tôi còn phải luôn làm mới shop của mình bằng cách “săn” về nhiều loại hoa lạ và mới”.
Nghệ thuật của sự sáng tạo không cho phép người thợ dừng lại mà mỗi ngày họ phải học hỏi nâng cao tay nghề.
Để có được một “tác phẩm” đẹp, ngoài một đôi mắt tinh tế, những cảm nhận nghệ thuật của chính người cắm thì họ còn dồn hết trái tim, tâm huyết của mình vào đó. Nghệ thuật của sự sáng tạo không cho phép mỗi người thợ dừng lại mà mỗi ngày họ luôn phải học hỏi nâng cao tay nghề.
Chị Thanh Nga: Tâm trạng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc cắm hoa, nếu lòng buồn, không thoải mái thì không thể nào cắm được bó hoa đẹp và ngược lại.
Đã 18 năm ăn ngủ cùng hoa, chị Bùi Thị Thanh Nga, shop hoa tươi Nga Tiến (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tâm trạng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc cắm hoa, nếu lòng buồn, không thoải mái thì không thể nào cắm được bó hoa đẹp và ngược lại. Ngày xưa, hoa tươi gói gói, đùm đùm thế nào cũng xong, miễn đó là hoa, thế nhưng, xã hội càng phát triển, yêu cầu của khách càng cao, thế nên để cắm được bó hoa vừa lòng khách hàng không phải là chuyện dễ. Mỗi nhát kéo, mỗi bông hoa, chiếc lá được cài cắm là một đường nét đẹp mới tạo nên “tác phẩm hoàn mỹ”.
Với chị Hoa, mỗi ngày làm việc cũng là một ngày học hỏi.
Thoạt nhìn qua tưởng dễ, thế nhưng, để cắm được một bó hoa cơ bản, chị Phan Thị Kim Hoa (TP Hà Tĩnh) mất hơn 1 năm học nghề. Chị phải học từ những bước nhỏ như việc cầm kéo, dao để trong quá trình làm việc mình không bị tai nạn và đạt hiệu quả công việc tốt nhất. Tiếp đến học lên khung bố cục, cách buộc xốp ra sao; sau khi lên khung thành thạo mới học đến cắm từng bông, cắm dần theo bó, theo lẵng.
Tay thoăn thoắt theo từng đường kéo, mắt vẫn dõi theo từng bông hoa, chị Hoa bộc bạch: “Đây đã là năm thứ 8, tôi bước vào nghề nhưng sự học thì vẫn cứ dài mãi. Với nghề này, học bao nhiêu cũng không đủ, mà mỗi ngày làm việc cũng là một ngày học hỏi, mỗi bó hoa, lẵng hoa, vòng hoa mình cắm lên cũng là một sản phẩm thực hành”.
Những nghệ sỹ cắm hoa luôn cần mẫn, miệt mài ghép nên những tác phẩm nghệ thuật đa sắc màu cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Cắm hoa những tưởng là công việc, là nghề của phái nữ, thế nhưng, hiện nay, tại Hà Tĩnh không ít thợ cắm hoa là nam giới. Quê ở Nghệ An, vậy mà, hơn 14 năm nay, anh Nguyễn Danh Quang lại gắn bó với mảnh đất Hà Tĩnh bằng nghề cắm hoa. Anh cho biết: “Tôi xem hoa như chính cuộc sống của mình. Hoa là gam màu không thể thiếu, góp phần tô điểm nên những bức tranh cuộc sống sinh động phục vụ đa dạng thị hiếu công chúng”.
Những bông hoa bình thường qua đôi bàn tay và trái tim của người “nghệ sỹ” cắm hoa tài ba đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật với những thông điệp riêng. Và mỗi ngày, những người nghệ sỹ như chị Nga, chị Nhung hay anh Quang... lại cần mẫn, miệt mài ghép nên những tác phẩm nghệ thuật đa sắc màu cho cuộc sống thêm tươi đẹp.