Căn phòng chăm sóc đặc biệt với những bệnh nhân "thập tử nhất sinh"
Theo chân chị Ngô Quỳnh Trang - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực vào căn phòng chăm sóc bệnh nhân đặc biệt, chúng tôi không khỏi cảm giác sợ hãi, hoang mang. La liệt người bệnh với hơi thở gấp gáp, cơ thể gần như bị che lấp bởi những máy móc, dây rợ chằng chịt. Đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng làm việc tất bật, khẩn trương. Tiếng tít tít liên tục phát ra từ những chiếc máy hỗ trợ chức năng càng làm cho không khí căn phòng thêm nặng nề, ngột ngạt.
Chị Trang cho biết: “Có khoảng 30 bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc ở đây. Người thì suy hô hấp, đa chấn thương, thậm chí nhiều người ngừng tuần hoàn, ngưng tim… Họ đều đã ở vào tình trạng thập tử nhất sinh, cận kề cái chết nên chúng tôi thường phải làm việc khẩn trương nhưng không được phép lơ là, sai sót trong bất cứ thao tác nào dù là nhỏ nhất”.
Đội ngũ y, bác sỹ luôn phải làm việc tích cực, khẩn trương để giành giật sự sống cho bệnh nhân
Đây là khu vực chăm sóc đặc biệt, hạn chế người nhà, mạng sống của bệnh nhân gần như phó thác hoàn toàn cho thầy thuốc nên đòi hỏi cán bộ, nhân viên ở đây phải thấm nhuần y đức của người thầy thuốc Việt Nam và xem người bệnh như chính người thân của mình.
Gần 30 năm công tác trong ngành y, hơn 17 năm chuyển về Khoa Hồi sức tích cực, điều dưỡng Cù Thị Thu Thảo cũng như anh chị em của khoa thấm thía những khó khăn, vất vả trong nghề và thấu hiểu cảm giác của người nhà khi bệnh nhân phải chuyển về đây. Đó là lúc bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch đến tính mạng, đến đây đã là hy vọng cuối cùng. Vì vậy mà những phản ứng của người nhà bệnh nhân trong thời điểm đó thường rất tiêu cực, trở thành một áp lực tâm lý đè nặng lên đội ngũ nhân viên y tế. Đã có nhiều vụ việc, người nhà hành hung bác sỹ của khoa vì cho rằng, bác sỹ tắc trách, chậm trễ mà không hiểu trong quá trình cấp cứu có những nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ nếu muốn cứu sống bệnh nhân.
Ngoài thực hiện y lệnh, điều dưỡng còn phải làm mọi việc để chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân bởi hầu hết họ đã bất động
Đôi khi sự ngột ngạt, căng thẳng không hẳn vì bệnh quá nặng mà do người nhà bệnh nhân kéo tới quá đông. Họ dùng những lời lẽ nặng nề thúc giục, thậm chí là chửi bới bác sỹ, điều dưỡng... Nhưng, những người thầy thuốc nơi đây vẫn kiềm chế, nhẹ nhàng giải thích và khẩn trương tập trung vào công việc cấp cứu cho người bệnh.
Chị Thảo chia sẻ: “Vì va vấp nhiều nên chúng tôi rèn cho mình tính nhẫn nại, mềm mỏng để chịu đựng mọi áp lực, nhưng vẫn bản lĩnh để đối mặt với những thành phần quá khích. Làm nhiều hơn nói là phương châm của chúng tôi khi gặp phải những trường hợp như vậy bởi chúng tôi cũng thông cảm cho họ, người thân ở ranh giới sống - chết thì người ta khó lòng mà giữ được bình tĩnh”.
Công việc nhiều, áp lực về tâm lý, thời gian, trong khi nhân lực của khoa hầu hết là chị em phụ nữ. Những kíp trực, những ca cấp cứu liên tục được chuyển lên, dịp lễ tết còn nhiều hơn cả ngày thường, đòi hỏi các chị phải ngày đêm làm việc cật lực.
“Nếu không có sự chia sẻ của gia đình, sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp và tình yêu với nghề chắc chúng tôi khó mà hoàn thành được công việc” - chị Thảo tâm sự.
"Cấp cứu thật nhanh để giành sự sống" - mệnh lệnh được ghi tại nơi làm việc
Đưa bố vào khoa cấp cứu sau một cơn tai biến nặng, bác Nguyễn Thị Lan (xã Thạch Liên, Thạch Hà) cảm kích tấm lòng của những người thầy thuốc nơi đây: “Sau 5 ngày được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc, cứu chữa, tình trạng của bố tôi đã khá hơn rất nhiều. Gia đình tôi rất cảm ơn bác sỹ và các chị em điều dưỡng đã cứu bố tôi qua cơn nguy kịch”.
“Cấp cứu thật nhanh để giành sự sống” - đó là mệnh lệnh, phương châm làm việc mà những người thầy thuốc của Khoa Hồi sức tích cực luôn ghi nhớ.