Trung Quốc: Có nhiều điểm giống Việt Nam
Trung Quốc được xem là “cha đẻ” của lễ hội Trung thu, với nhiều sự tích, truyền thuyết li kì về tết Trung thu, về chị Hằng và Thỏ Ngọc trên cung trăng… Tương tự người Việt, mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu được hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng.
Nhật Bản: Không còn sử dụng lịch âm, nhưng vẫn có Tết Trung thu
Đây là lễ hội truyền thống được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất. Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung thu hàng năm vẫn được tổ chức rầm rộ. Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango - bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời.
Hàn Quốc: Lễ đoàn viên nhớ ơn tổ tiên
Tết Trung thu hay Chuseok ở Hàn Quốc sẽ kéo dài 3 ngày (từ 14 đến 16/8 âm lịch). Khi đó, người dân xứ sở kim chi sẽ trở về quê hương, viếng mộ tổ tiên và dành thời gian cho gia đình. Những món ăn Trung thu truyền thống của Hàn Quốc là bánh songpyeon (một loại bánh làm từ bột gạo có hình trăng khuyết), thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và rượu gạo.
Campuchia: Lễ hội chính rằm
Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường tổ chức “lễ hội trăng rằm” vào ngày 15/10 âm lịch. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn…
Lào: Lễ hội dành cho các chàng trai cô gái nhảy múa thâu đêm
Tết Trung thu ở Lào được gọi là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào ngày này, mọi người dân Lào, bất kể già trẻ, gái trai đều ngắm trăng, thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai, cô gái nhảy múa hát ca thâu đêm.
Singapore: Mang hơi hướng Tết Trung thu của Trung Quốc
Tết Trung thu ở Singapore là thời điểm lý tưởng để mọi người gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu. Tết Trung thu ở Singapore mang đậm màu sắc Tết Trung thu Trung Quốc. Khu phố người Hoa ở Singapore năm nào cũng là nơi tổ chức Tết Trung thu khá vui nhộn. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
Malaysia: Lễ trung thu treo đèn lồng lung linh
Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8 và thắp đèn lồng để đón mừng Tết Trung thu. Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa sôi động như múa lân, múa sư tử tạo nên không khí tưng bừng ở trên các đường phố.
Triều Tiên: Tết Trung thu tạ ơn tổ tiên vì vụ mùa bội thu
Tết Chuseok (Tết Trung thu) là ngày lễ quan trọng nhất và lớn nhất ở Triều Tiên. Các thành viên trong gia đình sẽ sum họp với nhau để cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống và tạ ơn tổ tiên vì vụ mùa bội thu.
Myanmar: Tết trung thu nhảy múa vui chơi náo nhiệt
Tết Trung thu ở Myanmar còn gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
Philippines: Tết Trung thu mang âm hưởng người Hoa
Cũng giống Singapore, Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại nước bản địa. Trong ngày Tết Trung thu, người gốc Hoa sống ở Philippines thường làm bánh trung thu rồi chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và hàng xóm của mình.