Nghề tay trái…
Vài năm trở lại đây được coi là thời gian “bùng nổ” của nghề tiếp thị, người mẫu hay lễ tân. Các PG làm việc bán thời gian tại lễ khai trương, khánh thành, hội chợ, triển lãm, MC… hay cố định tại các showroom, tiếp thị, bán hàng. Tính chất công việc không chỉ đòi hỏi những người mẫu không chuyên phải có ngoại hình ưa nhìn với chiều cao trung bình 1m63 trở lên mà còn yêu cầu kỹ năng giao tiếp.
Nữ nhân viên tiếp thị sản phẩm bia rượu thường xuyên phải đối mặt với những lời trêu ghẹo khiếm nhã từ khách hàng. Ảnh: internet
Nếu chỉ nghe qua, công việc của PG hết sức nhàn hạ khi họ chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình mà không cần đòi hỏi cao về trình độ. Vậy nhưng, để trở thành một PG thực thụ, các bạn trẻ cũng cần phải trang bị ý thức làm việc tập thể, “tinh thần thép” và không ngừng trau dồi kiến thức về các mặt hàng để quảng bá rộng rãi tới khách hàng. Ngoài yếu tố ngoại hình, phong thái hoạt bát, nhanh nhẹn, nữ tiếp thị còn phải có sức khỏe để đáp ứng mọi yêu cầu công việc.
N.T.N - một PG dày dạn kinh nghiệm chia sẻ: “Ban đầu, mình đăng ký làm PG với mong muốn kiếm thêm thu nhập và rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong môi trường mới. Công việc của mình là giới thiệu sản phẩm mới cho cửa hàng điện thoại, nghe có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành yêu cầu của công ty lại không hề dễ dàng. Cực nhất là phải di chuyển liên tục trên giày cao gót trong những chương trình kéo dài hàng tiếng đồng hồ vào những ngày nắng nóng. Bọn mình luôn phải tươi cười để không làm phiền lòng khách hàng trong khi bản thân không có một phút nghỉ ngơi”.
Khác với N., T.H.M. (Trường Đại học Thương mại) lại tỏ ra hào hứng: “Công việc này không chỉ giúp những sinh viên như chúng em có thêm đồng ra đồng vào mà còn là môi trường rèn luyện kỹ năng sống đối với các bạn trẻ”.
Tùy theo tính chất công việc, các PG được trả khoản thù lao tương xứng. Hiện nay, thấp nhất là PG hội nghị chỉ 200.000 đồng/buổi trong khi PG triển lãm xe hơi thù lao cao gấp 3, dao động từ 4-5 triệu đồng/tuần. Nếu siêng chạy show, những nữ nhân viên tiếp thị, người mẫu quảng cáo có thể bỏ túi số tiền khá lớn. Riêng đối với một số lĩnh vực “nhạy cảm” như bia rượu, thuốc lá, các PG kiếm xấp xỉ 5-6 triệu đồng/tháng.
…và những rủi ro khó lường
Một công việc nhạy cảm với mức thu nhập khá cao luôn đi kèm những rủi ro khó lường. Chính vì vậy, đòi hỏi PG phải trang bị cho mình kỹ năng xử lý trước mọi tình huống.
Các quán nhậu đông đúc vào những ngày hè nóng nực cũng là lúc PG của các hãng bia phải hoạt động hết công suất. Do tính chất công việc, các cô gái thường xuyên trang điểm và xuất hiện trong trang phục “mát mẻ” không nhận được sự thiện cảm của người đi đường. Chưa kể, những nữ nhân viên tiếp thị còn phải chịu đựng những lời trêu ghẹo khiếm nhã từ khách hàng, thậm chí là “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước những vị khách khó tính. Nhiều chương trình phải quảng bá rơi vào thời điểm rét buốt, các PG vẫn phải “nghiến răng” trong bộ đồng phục mỏng tang, liên tục cười nói, mời chào sản phẩm.
Vốn dĩ, PG là công việc đàng hoàng nhằm giới thiệu các sản phẩm, thương hiệu tới người tiêu dùng, song trên thực tế, nghề này vẫn chưa được nhiều người nhìn nhận đúng. Có trường hợp, nữ PG bị khách hàng yêu cầu tiếp rượu nếu muốn bán được sản phẩm. M. - từng có thời gian gắn bó với nghề tiếp thị bia chia sẻ: “Phức tạp nhất vẫn là làm PG tại các quán nhậu. Dù rất cố gắng và chuẩn bị tốt mọi tình huống có thể xảy ra, song em vẫn không tránh được việc bị khách nam sàm sỡ”.
Không chỉ thế, nhiều sinh viên đã bị ảnh hưởng tới kết quả học tập do mải mê chạy theo công việc.
Không phải cô gái nào cũng thích ứng được với nghề PG, dù công việc này không đòi hỏi quá cao về trình độ và bằng cấp. Muốn bán được hàng, các PG cũng cần cư xử khéo léo, đúng mực nhưng không dễ dãi, tránh khách hàng hiểu nhầm. Không ít PG chuyên nghiệp ngày càng cho thấy sự tích cực và hiệu quả công việc họ mang lại. Và, PG chưa bao giờ là một công việc nhàn nhã như nhiều người nghĩ!