Tấm biển quảng cáo mức lãi suất tại một triển lãm về tiền tệ ở Thái Lan vào tháng 6-2022 - Ảnh: Bangkok Post
Báo South China Morning Post ngày 30-7 cho biết, đây là mức nợ cao nhất khu vực châu Á và cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình hiện nay đang ảnh hưởng đến 33 triệu dân ở Thái Lan, chiếm gần một nửa dân số của đất nước này.
“Tôi không biết liệu khoản nợ 8 triệu baht (218.000 USD) của mình có bao giờ được trả hết vào thời điểm tôi 80 tuổi hay không? Tôi không thể kiếm được bất cứ thứ gì trong cuộc sống mà không có sự hỗ trợ của các khoản vay”, cô Jiraporn Maysoongnoen chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến nợ hộ gia đình của Thái Lan gia tăng như hiện nay có trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại nước này.
“Ở Thái Lan, nợ hộ gia đình đã ở mức 80% GDP vào năm 2015. Lý do gốc rễ khiến nợ hộ gia đình ở Thái Lan tăng qua từng năm là do chính sách tiền tệ của BOT đã được nới lỏng trong vài năm gần đây. Điều đó khiến các khoản vay tín dụng dễ dàng tiếp cận hơn với người có thu nhập trung bình - thấp ở Thái Lan, vốn chịu tác động bởi đại dịch COVID-19” - ông James Guild, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), dẫn chứng.
Báo Bangkok Post cho biết hầu hết các hộ gia đình ở Thái Lan có thu nhập trung bình hằng tháng chỉ 10.000 baht (gần 6,5 triệu đồng), trong khi nhu cầu chi tiêu tối thiểu đã ở mức 12.000 baht. Do đó, những hộ gia đình này phải đi vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng ở Thái Lan để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Ngoài ra, nhiều người Thái đã mắc nợ khi họ còn trẻ hoặc mới bắt đầu sự nghiệp. Ông Kajorn Thanapase, một quan chức của BOT, cho biết một nửa số người trên 30 tuổi ở Thái Lan đang mắc nợ và trong số đó không có khả năng chi trả hết số tiền nợ.
Trước đó, vào tháng 4-2022, Đại học Phòng thương mại Thái Lan đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.260 người có thu nhập dưới 15.000 baht mỗi tháng ở Thái Lan và phát hiện 99% người trong số họ đang mắc nợ. Trong đó, nợ chủ yếu phát sinh từ chi phí sinh hoạt hằng ngày, thuê nhà, vay kinh doanh; nợ từ thẻ tín dụng, mua nhà và xe.
Cuộc khảo sát ước tính khoản nợ trung bình của mỗi hộ gia đình là 217.952 baht, tăng 5,9% so với năm 2021, mức cao nhất được ghi nhận trong 14 năm qua ở Thái Lan.
Theo Hãng tư vấn KPP Research (Thái Lan), nợ hộ gia đình ở Thái Lan dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022. Điều đó sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng và giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Thái Lan vốn chịu tác động bởi đại dịch COVID-19.