Đại lý thu được coi là cánh tay nối dài của BHXH, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các nhân viên đại lý, hằng năm, BHXH tỉnh đều mở các lớp tập huấn để đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông, quy trình nghiệp vụ thu BHXH, BHYT cho đội ngũ này. Đến nay, BHXH tỉnh đã ký phối hợp, hình thành các hệ thống đại lý thuộc: Hội Nông dân, Hội LHPN, Bưu điện, Trạm Y tế, UBND xã, Hội Chữ thập đỏ...
Tranh thủ thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định, BHXH tỉnh đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên đại lý thu.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng của mạng lưới đại lý thu, thời gian qua, BHXH tỉnh, BHXH các huyện thường xuyên theo dõi, đôn đốc và phối hợp thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, tập huấn những kiến thức mới cũng như trang bị các phương tiện phục vụ tuyên truyền như: tờ rơi, tờ gấp, bảng, biểu minh họa mức đóng, phương thức đóng… Từ đó, nhân viên đại lý thu đã tích cực tuyên truyền, góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống.
Trong đợt này, BHXH tỉnh sẽ lần lượt tập huấn, trang bị kiến thức cho toàn bộ 1054 nhân viên đại lý ở 13 huyện, thị, thành. Theo đó, sẽ trang bị cho đội ngũ nhân viên đại lý các nội dung: Kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; quy trình tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở; chế độ thông tin báo cáo; công tác chăm sóc người tham gia; hướng dẫn công cụ tính đóng BHXH tự nguyện. Trong đó, chú trọng cập nhật các chính sách mới, các kiến thức mới về tuyên truyền, phát triển BHXH tự nguyện và BHYT.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH Hà Tĩnh cho biết: “Hàng năm, số lượng nhân viên đại lý sẽ có sự biến động, bên cạnh nhân viên cũ là đội ngũ nhân viên mới, hơn nữa, trong thời gian qua, có một số chính sách mới được áp dụng, chính vì thế, việc tập huấn, đào tạo kiến thức là rất cần thiết. Một trong những chính sách được áp dụng ngay từ 1/1/2021 là điều chỉnh mức đóng và mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là sự điều chỉnh áp dụng theo quy định về điều chỉnh chuẩn nghèo mới của Chính phủ (tính từ 1/1/2022), chính vì vậy, chúng tôi phải trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhân viên đại lý nhằm làm tốt công tác tuyên truyền cho những người đang tham gia BHXH tự nguyện”.
Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, từ ngày 1/1/2022, mức chuẩn nghèo sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, tại khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng /tháng đồng và tại khu vụ thành thị là 2.000.000 đồng/tháng. Khoản 2, Điều 87 của Luật BHXH (năm 2014) quy định: Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo từng giai đoạn. Theo đó, từ ngày 1/1/2022 mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 231.000 đồng/tháng và số tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia cũng sẽ tăng lên. Theo các chính sách hỗ trợ hiện tại ở Hà Tĩnh, người tham gia thuộc hộ nghèo số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 77.000 đồng lên 165.000 đồng/tháng; người tham gia thuộc hộ cận nghèo số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 69.300 đồng lên 148.500 đồng/tháng; người tham gia thuộc đối tượng khác số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng. Đối với những người trước đây tham gia BHXH tự nguyện đăng ký mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng đến hết ngày 31/12/2021 đến hạn đóng, nhân viên đại lý thu BHXH sẽ trực tiếp liên hệ và hướng dẫn người dân thủ tục để thay đổi mức thu nhập làm căn cứ đóng. Đối với các trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện đăng ký mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng nhưng đến hết ngày 31/12/2021 chưa đến hạn đóng thì vẫn thực hiện theo phương thức đã đăng ký trước đó cho đến khi hết hạn đóng. Người tham gia sẽ không phải đóng bù số tiền chênh lệch khi Chính phủ điều chỉnh mức thu nhập làm căn cứ đóng. |
Từ 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ áp dụng theo quy định chuẩn nghèo mới của Chính phủ.
Năm 2021 tiếp tục là năm hoạt động tuyên truyền gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của BHXH tỉnh, bằng sự linh hoạt, sáng tạo, các đại lý thu đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng. Trong 11 tháng đầu năm hệ thống đại lý thu đã tuyên truyền, vận động được 11.215 người tham gia BHXH tự nguyện và 265.498 người tham gia BHYT hộ gia đình. Trong đó, tiêu biểu là hệ thống đại lý của Hội nông dân, phát triển được 2.537 người tham gia BHXH tự nguyện và 50.035 người tham gia BHYT hộ gia đình; Hội LHPN phát triển được 2.606 người tham gia BHXH tự nguyện và 79.108 người tham gia BHYT.
Chị Trần Thị Dung - nhân viên đại lý thuộc hệ thống Hội Nông dân xã Đan Trường (Nghi Xuân) chia sẻ: “Là nhân viên đại lý có thâm niên, hằng năm, tôi đều tham gia các lớp tập huấn của BHXH tỉnh. Đây là hoạt động hết sức cần thiết bởi tại đây, chúng tôi không chỉ được trang bị thêm những kiến thức mới về chính sách sẽ được áp dụng trong thời gian tới mà còn được trang bị các kỹ năng mới giúp tăng hiệu quả công tác tuyên truyền”.
Chị Trần Thị Dung - Nhân viên đại lý thuộc hệ thống của Hội Nông dân xã Đan Trường (Nghi Xuân) nghiên cứu những chính sách mới được áp dụng.
Việc nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho nhân viên đại lý thu và tổ chức tốt hoạt động đại lý thu trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần quan trọng vào phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn ngành và hệ thống đại lý thu đang tích cực tuyên truyền, vận động, khai thác, phát triển đối tượng tham gia nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt là cập nhật các chính sách mới để thông tin tới người lao động, giúp họ hiểu rõ chính sách mới trước khi áp dụng, tránh tâm ý hoang mang, lo lắng…