Tổng Bí thư Hà Huy Tập - nhà hoạt động lý luận xuất sắc của Đảng
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuất thân từ một vùng quê hiếu học, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Hà Huy Tập luôn là người học trò xuất sắc ở các cấp học; sớm trở thành thầy giáo và nhà hoạt động cách mạng thuộc lớp tiền bối của Đảng.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong quá trình học tập, nghiên cứu, hoạt động ở nước ngoài, đồng chí luôn say mê nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Với đồng chí Hà Huy Tập, lý luận của các nhà kinh điển Mác-xít bao giờ cũng được gắn chặt với thực tiễn cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương.
Trong những lúc cách mạng gặp khó khăn, kẻ thù liên tục xuyên tạc, chống phá, với trí tuệ sắc sảo, lý luận vững vàng, đồng chí Hà Huy Tập đã viết nhiều bài luận chiến đăng trên báo chí quốc tế, kiên quyết vạch trần bộ mặt thật của địch, phê phán quan điểm phản động của các phần tử tờrốtxky và cổ vũ phong trào cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Những tác phẩm báo chí đồng chí Hà Huy Tập viết trong quá trình hoạt động cách mạng hiện được lưu giữ tại Khu lưu niệm Hà Huy Tập ở huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Hà Linh
Đồng chí cũng viết nhiều tác phẩm tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Đảng ta những năm đầu mới thành lập. Công trình “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” viết năm 1933, bút danh Hồng Thế Công bằng tiếng Pháp đã thể hiện trình độ uyên bác về kiến thức và phương pháp nghiên cứu lịch sử của tác giả.
Những bài viết, sách báo của đồng chí đã góp phần quan trọng vào cuộc tranh luận nhằm đập tan các luận điệu xuyên tạc của những kẻ giả danh cách mạng, đưa lý luận chân chính của Đảng thâm nhập vào quần chúng Nhân dân trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Có thể nói, bằng hoạt động thực tiễn sôi nổi và lý luận sắc bén, đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, củng cố và tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối cách mạng; đồng thời góp phần làm phong phú thêm di sản lý luận của Đảng.
Hội thảo “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng” được tổ chức tại Hà Tĩnh sáng 22/4/2021.
Đặc biệt, liên hệ thực tiễn hiện nay, vấn đề bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sái trái, thù địch là một nội dung cơ bản mang tính sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân như Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nêu. Điều này càng khẳng định tầm nhìn và tư duy lý luận sâu sắc của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên - trách nhiệm của toàn Đảng bộ
Học tập tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập và các vị lãnh tụ tiền bối của Đảng, trong các giai đoạn, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm, chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng”. Ảnh: Thu Hà)
Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xác định giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, hệ thống chính trị và của mỗi một cán bộ, đảng viên.
Muốn vậy, các cấp ủy Đảng, trước hết là đồng chí bí thư và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác tư tưởng. Tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tích cực nắm bắt, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc về tư tưởng. Gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng bộ và Nhân dân. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; phê phán những việc làm sai trái.
Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Đề cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng bảo đảm thông tin khách quan, trung thực, đúng định hướng.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập vào sinh hoạt đảng bộ, chi bộ một cách thường xuyên. Chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng.
Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, học tập tấm gương tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh và chí khí kiên trung, bất khuất của Tổng Bí thư Hà Huy Tập; tăng cường hơn nữa đoàn kết, thống nhất trong Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đó chính là sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh và tấm gương cách mạng kiên trung của Tổng Bí thư Hà Huy Tập một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất.