Nỗi sợ bị lãng quên của người dân Gaza

Nhiều người dân Palestine lo ngại căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế và khiến Dải Gaza bị bỏ rơi.

Trung Đông những ngày gần đây tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, song không phải tại Dải Gaza mà là ở biên giới Israel - Lebanon.

Căng thẳng leo thang sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của lực lượng Hezbollah ở Lebanon hôm 17-18/9, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương. Nhóm vũ trang cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không phủ nhận hay xác nhận.

Tiếp đó là hàng loạt vụ tập kích qua lại lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah trong những ngày qua, đỉnh điểm là trận không kích quy mô lớn của Israel vào miền đông, miền nam Lebanon hôm 23/9, khiến hơn 500 người chết và hơn 1.800 người bị thương.

Nezar Zaqou là một trong 1,9 triệu người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza sau khi xung đột bùng phát tháng 10/2023. Anh sợ rằng giao tranh Israel - Hezbollah sẽ khiến mọi người ngừng quan tâm về điều kiện sống tồi tệ hiện nay tại dải đất và nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn.

"Chúng tôi hoàn toàn bị lãng quên. Không có tin tức gì về chúng tôi trên truyền thông", Zaqou, người đang sống ở Khan Younis sau khi chạy khỏi Gaza City cách đây vài tháng, cho hay.

Trẻ em ở trại tị nạn Jaliaba tại miền bắc Gaza ăn thực phẩm viện trợ hôm 24/9. Ảnh: AFP
Trẻ em ở trại tị nạn Jaliaba tại miền bắc Gaza ăn thực phẩm viện trợ hôm 24/9. Ảnh: AFP

Theo cơ quan y tế Gaza, chiến dịch của Israel đã khiến hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng và khoảng 95.000 người bị thương. Hơn một nửa số người chết là phụ nữ và trẻ em.

Nhiều khu dân cư ở Gaza đã bị san phẳng sau các cuộc tập kích dữ dội. Phân tích ảnh vệ tinh cho thấy gần 60% tòa nhà tại đây có thể đã bị hư hại. Khoảng 90% người dân Gaza hiện không có nhà cửa, hàng trăm nghìn người phải sống trong các khu lều trại mất vệ sinh, vật lộn tìm kiếm thức ăn và nước sạch. Người dân Palestine lo ngại tình trạng này sẽ không bao giờ kết thúc.

"Sau một năm, không ai còn quan tâm chúng tôi nữa. Ngày nào chúng tôi cũng phải hứng bom, luôn có người chết và bị thương", Saadi Abu Mustafa, người chạy khỏi Khan Younis để tới sống ở khu lều trại Muwasi dọc bờ biển phía nam Gaza, nói.

Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu thề sẽ hủy diệt hoàn toàn lực lượng Hamas ở Gaza, sau khi nhóm vũ trang mở chiến dịch tấn công lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, sát hại khoảng 1.200 người và bắt cóc 250 người. Israel ước tính 70-100 con tin được cho là vẫn còn sống ở Gaza.

Cảnh đổ nát tại khu Sheikh Radwan ở Gaza City sau trận không kích của Israel ngày 23/9. Ảnh: AFP
Cảnh đổ nát tại khu Sheikh Radwan ở Gaza City sau trận không kích của Israel ngày 23/9. Ảnh: AFP

Không chỉ người dân Palestine mà người thân của các con tin cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ Gaza không còn được quan tâm như trước.

"Điều tôi lo nhất là toàn bộ sự chú ý của dư luận trong nước và thế giới đang chuyển hết về miền bắc Israel. Cuối cùng các con tin sẽ bị bỏ mặc, không có ai tới giải cứu họ", Udi Goren, người thân của Tal Haimi, công dân Israel bị sát hại ngày 7/10/2023, cho hay.

Khi nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah leo thang, chính quyền Thủ tướng Netanyahu đã giảm bớt hiện diện quân sự tại Dải Gaza và chuyển các đơn vị chủ lực tới biên giới phía bắc giáp Lebanon.

Dù vậy, hàng nghìn binh sĩ Israel vẫn ở lại khu vực và tiến hành các cuộc đột kích đơn lẻ, khiến người dân Palestine chạy nạn chưa thể trở về nhà. Những cuộc không kích hàng ngày của Israel vẫn tiếp diễn, trong đó đòn đánh vào một trường học được dùng làm nơi trú ẩn ở miền bắc Gaza hôm 21/9 đã khiến ít nhất 22 người chết và 30 người bị thương.

Tại Muwasi, vùng nhân đạo do Israel chỉ định, cuộc sống của người tị nạn vốn đã khó khăn, nay càng trở nên tồi tệ hơn sau các trận mưa. Trẻ em phải đi chân trần để lội qua lớp bùn ngập đến mắt cá, trong khi người lớn chật vật đào bới bùn đất để tìm kiếm đồ đạc và thức ăn đóng hộp.

"Khu bếp bị ngập nước hết. Chúng tôi không biết phải làm gì nữa, mùa đông đang bắt đầu rồi. Những ngày tới sẽ ra sao đây?", Rana Gozat, người tị nạn tới từ Gaza City, cho hay.

Những người khác than phiền về tình trạng sinh sống khắc nghiệt, kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ để dư luận tiếp tục chú ý tới khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. "Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người đều quan tâm tới mình và thấy chúng tôi đã làm được những gì", Enas Kollab, người tị nạn từ bắc Gaza, nói.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel cần duy trì lực lượng ở hai khu vực tại Gaza để bảo đảm Hamas không thể tái vũ trang, trong khi lực lượng này tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cho phép quân đội Israel ở lại dải đất.

Vị trí các đô thị ở Gaza. Đồ họa: AFP
Vị trí các đô thị ở Gaza. Đồ họa: AFP

Hy vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza càng trở nên mờ nhạt hơn khi Mỹ, bên trung gian quan trọng trong quá trình đàm phán, dường như không thuyết phục được đồng minh thân cận Israel. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken chỉ tới Ai Cập trong chuyến thăm Trung Đông tuần trước.

Hiện chưa rõ Dải Gaza sẽ như thế nào sau khi chiến sự kết thúc, song điều chắc chắn là quá trình tái thiết sẽ kéo dài nhiều thập kỷ. Liên Hợp Quốc ước tính sẽ cần ít nhất 15 năm chỉ để dọn dẹp khoảng 40 triệu tấn gạch vụn ở nơi này.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.