Núi Hồng - Sông La

Non nước Nghi Xuân

Sông Lam quấn quýt núi Hồng. Núi Hồng soi bóng Lam giang. Một dải Lam Hồng của Hà Tĩnh khởi đầu bằng miền đất cổ Nghi Xuân. Năm 1831, vua Minh Mệnh lập ra tỉnh Hà Tĩnh từ 2 phủ Hà Hoa và Đức Thọ, gồm 6 huyện, trong đó có Nghi Xuân.

Non nước Nghi Xuân

Non nước Nghi Xuân

Khởi đầu bằng dòng sông Lam và dãy núi Hồng Lĩnh, Nghi Xuân thời cổ xưa là vùng đất của Việt Thường. Các di chỉ khảo cổ học ở Bãi Cọi, Phôi Phối (Xuân Viên) cho thấy, con người đã đến đây định cư từ rất sớm. Thời Văn Lang - Âu Lạc thuộc bộ Cửu Đức; thời Bắc thuộc là đất Hàm Hoan, Dương Thành, Dương Thoại, Phổ Dương; thời Lý Nhật Quang (1010 - 1028) gọi là huyện Nha Nghi. Năm Kỷ Sửu 1469, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, tên huyện Nghi Xuân có từ thời đó.

Non nước Nghi Xuân

Di tích khảo cổ học Phôi Phối (Bãi Cọi) là di tích khảo cổ học nằm gọn trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh với diện tích khoảng 1 km2. (Ảnh Đậu Hà)

Trong cuốn “Xã cổ Nghi Xuân”, nhà địa phương học Võ Giáp đã đưa ra định nghĩa theo phương pháp chiết tự: Nghi: nên, phù hợp; Xuân: mùa xuân (nên mùa xuân). Đời nhà Nguyễn, khi vua Minh Mệnh lập tỉnh, Nghi Xuân thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Huyện Nghi Xuân lúc ấy gồm 5 tổng - 19 xã, 2 trang và 1 phường. Có giai đoạn địa giới kéo dài ra Nghệ An và lên Đức Thọ.

Non nước Nghi Xuân

Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Xuân An. (Ảnh: Đậu Hà)

Thời Khải Định (1916-1925) trả phần bên kia sông cho Hưng Nguyên (Nghệ An) và trả phần trong đê La Giang cho Đức Thọ. Năm 1945, huyện gồm 13 xã; năm 1975 gồm 18 xã; năm 1994 gồm 17 xã và 2 thị trấn. Năm 2020, sau sáp nhập xã ở Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân gồm 15 xã, 2 thị trấn.

Non nước Nghi Xuân

Một góc thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Ảnh: Thành Nam)

Dẫu tên gọi, sự phân chia địa giới hành chính từng giai đoạn khác nhau nhưng linh khí núi sông, thổ nhưỡng, khí hậu vẫn chung non nước hữu tình. “Lam Thủy, Hồng sơn vô hạn thắng” (sông Lam, núi Hồng cảnh đẹp vô cùng) - Đại thi hào Nguyễn Du trong những ngày trẻ trung sôi nổi về sống tại quê hương đã thốt lên như vậy.

Non nước Nghi Xuân

Hồng Sơn liệt chướng. Đây là dãy núi phía Nam huyện, là phên dậu che chở cho Nghi Xuân. Có 9 xã trong huyện nằm ven chân núi. Hồng Sơn là núi Hồng, là dải Hồng Lĩnh và còn được gọi là Ngàn Hống. (Ảnh: Đậu Hà)

Nghi Xuân đúng là một bức họa của tạo hóa với “núi cao cho dáng đứng/sông dài cho bước đi”. Ba phía của huyện giáp với sông và biển, còn lại một phía tựa lưng vào dãy Ngàn Hống (núi Hồng, Hồng Lĩnh) thâm nghiêm. Nghi Xuân có “bát cảnh”. Các nhà địa phương học ví địa hình của Nghi Xuân giống chiếc mũ cánh chuồn (mũ quan văn ngày xưa) nhìn nghiêng. Phải vậy chăng, mà bao đời đất này sản sinh và nuôi dưỡng những danh nhân khoa bảng cống hiến sự nghiệp vĩ đại cho nước nhà?

Non nước Nghi Xuân

Hệ thống di sản vật thể đồ sộ với hơn 60 di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt trên mảnh đất này và 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ca trù, ví giặm) là những viên ngọc quý phản chiếu bề dày trầm tích văn hóa nơi đây. Chính những con người có truyền thống yêu nước, văn chương khoa bảng, say mê sáng tạo và trao truyền văn nghệ dân gian đã tạo nên những viên ngọc ấy. Theo thời gian, như nước sông Lam ngày càng dào dạt, núi Hồng Lĩnh mãi vững bền, truyền thống ấy được bồi đắp, thấm đẫm, tạo nên cốt cách, phong vị của người Nghi Xuân không thể trộn lẫn được.

Non nước Nghi Xuân

Cùng với dân ca ví, giặm, ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh tư liệu: Đậu Hà)

Nhắc đến Nghi Xuân, cả thế giới biết đến dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Câu tục ngữ đúc kết bao đời nay người dân ai cũng thuộc: Ló (lúa) Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống, trống Đan Tràng, đục chàng Đan Phổ. Quan Tiên Điền là nói về dòng họ Nguyễn Tiên Điền với những tên tuổi trứ danh: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Trọng... Đặc biệt, ngôi sao sáng Nguyễn Du (1765-1820) trên văn đàn Việt Nam không chỉ soi rọi thời đại ông sống mà cả tới hơn “Ba trăm năm lẻ nữa”. Những giá trị to lớn mà các tác phẩm ông để lại, đặc biệt là Truyện Kiều, trở thành di sản vô giá của nhân loại.

Non nước Nghi Xuân

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà)

Non nước Nghi Xuân

Nhắc đến Nghi Xuân, người ta nhớ đến Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, một người có tài kinh bang tế thế đã đóng góp to lớn vào việc lập làng ở Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và nhiều địa phương trong cả nước. Ông vừa là nhà quân sự, dinh điền sứ, vừa là nhà thơ, người góp phần tạo nên thể hát nói của ca trù với những tác phẩm lưu danh hậu thế.

Non nước Nghi Xuân

Đền Nguyễn Xí ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Đậu Hà)

Non nước Nghi Xuân
  • Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Ảnh: Đậu Hà)

Nhắc đến Nghi Xuân, người ta cũng không quên nói về Thánh sư địa lý Tả Ao, Cương quốc công Nguyễn Xí, Tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần, nhà yêu nước Trịnh Khắc Lập, liệt sỹ Lê Duy Điếm… Những địa danh như đền Chợ Củi, chùa Phong Phạn, núi Cơm, bến Lách, Khu di tích Nguyễn Du, đình Hội Thống, nhà thờ Nguyễn Công Trứ, nhà thờ Nguyễn Xí, đền Huyện… mãi là những chứng nhân của lịch sử và văn hóa. Câu ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, câu ví dòng Lam được sáng tạo, lưu truyền, gìn giữ, trở thành nguồn mạch trong sáng của đời sống tâm hồn người Nghi Xuân.

Non nước Nghi Xuân

Hôm nay về Nghi Xuân, tôi không theo quốc lộ 1, qua Xuân Hồng, Xuân Lam, cũng không theo đường 22/12 cũ (nay là tuyến tránh quốc lộ 1) men theo núi Hồng Lĩnh hoặc ngồi trên “Giang Đình cổ độ”, dòng Lam xuôi về Cửa Hội mà theo đường ven biển Cửa Hội, Nghi Xuân, Vũng Áng, khởi đầu từ thị trấn Lộc Hà. Theo cung đường thảm nhựa thênh thang, chưa đầy 1 giờ, tôi đã đứng trên cầu Cửa Hội, cây cầu dài nhất miền Trung, ngắm “song ngư hý thủy” (hai con cá giỡn nước) ngoài biển xa, hồi tưởng về một thời “Đan Nhai quy phàm” của thương cảng cổ Hội Thống từng là con đường tơ lụa trên biển.

Non nước Nghi Xuân

Du thuyền Giang Đình cổ độ. (Ảnh: Đậu Hà)

Non nước Nghi Xuân

Tuyến đường ven biển được đánh giá là một trong những tuyến đường đẹp ở Hà Tĩnh.

Từ đây, chúng tôi rẽ sang khu du lịch Xuân Thành để tham quan khu nghỉ dưỡng Phú Minh Gia, Hoa Tiên Paradise, sân golf, trường đua chó, bãi biển Xuân Thành… Sau ngày khánh thành cầu Cửa Hội, lợi thế về thương mại, du lịch của Nghi Xuân càng phát triển.

Non nước Nghi Xuân

Dự án sân golf, trường đua chó tại bãi biển Xuân Thành hứa hẹn sẽ mang đến sức hấp dẫn mới cho du lịch Nghi Xuân. (Ảnh: Thành Nam)

Đặc biệt, khi Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Hà Tĩnh, du lịch trải nghiệm NTM, du lịch văn hóa càng có cơ hội để phát triển. Khu di tích Nguyễn Du đã được nâng cấp, đầu tư ngày càng thu hút du khách cả nước và nước ngoài. Các làng NTM kiểu mẫu như Phong Giang (Tiên Điền), Trường Hải (Đan Trường) đều đẹp như những bức tranh, là nơi có thể thưởng ngoạn.

Non nước Nghi Xuân

Nông thôn mới Đan Trường (Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà

Non nước Nghi Xuân

Khu dân cư NTM kiểu mẫu Phong Giang, thị trấn Tiên Điền hôm nay. (Ảnh tư liệu)

Đặc biệt, với tiêu chí: 100% xã, thị trấn có câu lạc bộ (CLB) dân ca, Nghi Xuân đã làm sống dậy và phát triển các loại hình dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều… tạo nên một “miền đất hát” không trộn lẫn với bất cứ nơi nào. Du khách về Nghi Xuân muốn nghe ca trù thì ghé nhà thờ Nguyễn Công Trứ ở Xuân Giang, hoặc về Cổ Đạm, các CLB ca trù sẽ phục vụ. Về Xuân Liên để nghe trò Kiều. Về xã nào cũng có thể được nghe ví, giặm. Phong trào hát dân ca phát triển rầm rộ trong các trường học…

Non nước Nghi Xuân

CLB Chèo kiều xã Xuân Liên tập luyện các tiết mục phục vụ cho nhân dân vào những dịp lễ. (Ảnh tư liệu: Đậu Hà)

Non nước Nghi Xuân

Hát trò Kiều đang sống dậy khá mạnh mẽ trong đời sống văn hoá của người dân Nghi Xuân. (Ảnh tư liệu: Đậu Hà)

Hiểu rõ lợi thế của miền di sản, cùng với việc quy hoạch các khu đô thị gắn với du lịch, huyện đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, huyện đang triển khai dự án khu đô thị mới Xuân Thành, khu đô thị sinh thái Park City Xuân An và các khu dân cư NTM tại Cương Gián, Xuân Hải, Đan Trường. Ốc đảo Xuân Giang 2 (đảo Hồng Lam) đang chuẩn bị đón dự án khu đô thị, du lịch sinh thái, giải trí sinh thái của Tập đoàn T&T.

Non nước Nghi Xuân

Nghi Xuân phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hoá gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: Thành Nam)

Hiện nay, trong điều kiện dịch bệnh, du lịch Nghi Xuân đang tạm lắng nhưng phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh vẫn duy trì. Ông Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Những giá trị to lớn từ thắng cảnh thiên nhiên, lịch sử, văn hóa là tài sản vô giá để Đảng bộ và Nhân dân Nghi Xuân hôm nay phát huy tiềm năng, nỗ lực vươn lên, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch”.

ẢNh: PV, CTV

Trình bày: Thành Nam

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.