Huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC

(Baohatinh.vn) - Với sự hỗ trợ tích cực từ Dự án trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, từ năm 2017 đến nay, người trồng rừng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thay đổi cách trồng, chăm sóc và khai thác rừng sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế, phát triển rừng bền vững.

Huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC

Tại xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn) có 189 hộ tham gia dự án trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 275 ha

Trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC

Huyện Hương Sơn hiện có tới 14.000 ha rừng keo là rừng sản xuất có tiềm năng thực hiện trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Từ năm 2017, Dự án FSC được triển khai tại 2 xã Sơn Lĩnh và Sơn Tây (Hương Sơn), với sự tham gia của 199 hộ trên diện tích gần 360 ha rừng.

Những năm trước, khu rừng trồng keo trên 4 năm tuổi tại các xã Sơn Lĩnh, Sơn Tây đã bị chủ rừng chặt hạ để bán gỗ dăm, gỗ vụn cho thương lái với giá chưa đến 1 triệu đồng/tấn. Còn nay, theo qui trình, tiêu chuẩn FSC, họ sẽ giữ cây đến 7 năm tuổi trở lên, tăng đường kính thân gỗ rồi đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ và bán nguyên khối. Các khu rừng sẽ được khai thác luân phiên để đảm bảo diện tích rừng đúng theo hướng dẫn.

Ông Cao Bá Hoạt - hộ trồng rừng thôn 5, xã Sơn Lĩnh là một trong những nông dân tích cực tham gia thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Được tìm hiểu mô hình và tập huấn kỹ thuật, ông Hoạt biết phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Cùng với ông Hoạt, hàng chục hộ tham gia dự án cũng đã thấm nhuần các phương pháp sản xuất rừng bền vững FSC.

“Chúng tôi mới áp dụng các phương pháp sản xuất 2 năm nay nhưng cho thấy chuyển biến rõ rệt, rừng phát triển tốt hơn. Theo đà này, dự ước khi thu hoạch trữ lượng gỗ sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần, và giá thành cũng sẽ tăng cao hơn rất nhiều ” - ông Hoạt phấn khởi chia sẻ.

Huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC

Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC

Tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, có 90 ha rừng keo khoảng 3 – 5 năm tuổi được trồng theo FSC, thảm thực bì không bị phát dọn sạch như trước mà giữ lại một số loại cây để chống xói mòn đất. Đồng thời người dân cũng đã thực hiện tốt 10 nguyên tắc, 56 tiêu chí và 203 chỉ số của bộ tiêu chuẩn FSC trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng.

Việc trồng rừng được thực hiện theo kế hoạch, không khai thác sớm, chặt trắng trên 20 ha liền thửa, không xử lý thực bì bằng cách đốt; tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động, thực hiện phương pháp khai thác tác động thấp và để lại cây tái sinh…

Nâng cao giá trị kinh tế, phát triển rừng bền vững

Người dân các địa phương thực hiện dự án hết sức phấn khởi và tin tưởng khi thực hiện FSC vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích. Về kinh tế, người dân sẽ có chất lượng cây giống ban đầu tốt, chăm sóc có khoa học nên năng suất cao hơn. Gỗ có chứng chỉ FSC, có nguồn gốc xuất xứ dễ tiêu thụ, bán được giá cao hơn từ 15 - 20% và không bị ép giá. Ngoài ra, còn thu được lợi ích về môi trường, xã hội khi tuân thủ các hướng dẫn an toàn lao động của bộ tiêu chuẩn FSC.

Huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC

Trước đây, người trồng rừng thường "bán non" gỗ keo, vừa giảm hiệu quả kinh tế, vừa không đảm bảo phát triển rừng bền vững

Hương Sơn là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC quy mô nhóm hộ, có mô hình mẫu thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT hỗ trợ các HTX nâng cao chuỗi giá trị cho người trồng rừng. Liên minh HTX Tây Kim (Hương Sơn) là một trong những đơn vị được dự án hỗ trợ các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiệncông tác quản lý nhóm, quản lý rừng, sẵn sàng cho việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Võ Văn Biển - Giám đốc Liên minh HTX Tây Kim cho biết, triển khai dự án, HTX đã thực hiện hỗ trợ, tập huấn, tuyên truyền cho người dân Hương Sơn; đồng thời, kiểm tra, giám sát để đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn chứng chỉ. Và sau khi nhận chứng chỉ, chu trình này cũng sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác. Dự kiến năm 2019, HTX sẽ tổ chức khai thác khoảng 50 ha rừng đủ tiêu chuẩn thu hoạch.

Huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC

Huyện Hương Sơn hiện có tới 14.000 ha rừng keo là rừng sản xuất có tiềm năng thực hiện FSC trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng: Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã mở ra hướng đi mới, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, phòng chống xói lở và đặc biệt đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Ngày 14/6 tới đây, dự án sẽ được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo địa phương, đơn vị nhân rộng cách làm và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC.

FSC là gì?

FSC (Forest Stewardship Council) là tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1993. Tổ chức này là tổ chức duy nhất được công nhận toàn cầu về phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận về rừng.

Lợi ích của chứng nhận FSC:

  • Về mặt môi trường: Chứng nhận FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên

  • Về mặt xã hội: Chứng chỉ FSC thể hiện trách nhiệm của tổ chức này đối với xã hội và cuộc sống của con người

  • Về mặt kinh tế: FSC certificate giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của tổ chức này, các sản phẩm có chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 – 30% so với các sản phẩm cùng loại

  • Về mặt thương hiệu: Thương hiệu sẽ được nâng tầm nếu như bạn nhận được chứng nhận này. Công ty có thể sử dụng FSC để truyền thông cho các sản phẩm của mình.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast