Khoảng 50 - 80% lợi nhuận gỗ vườn, gỗ rừng trồng rơi vào túi "đầu nậu"!

(Baohatinh.vn) - Không cần vốn đầu tư, không dày công chăm sóc, cũng chẳng phải chịu rủi ro do thiên tai nhưng khâu trung gian đang lấy đi từ 50-85% tổng thu nhập...

Sau nhiều năm buôn ba ở Lào, được bao vốn liếng đã dồn để thu mua gỗ trắc, gỗ mun, nhưng rồi anh H. ở xã Phúc Trạch (Hương Khê) phải trắng tay do chính sách “đóng cửa rừng” của nước bạn. Tưởng chừng về quê sẽ “chết đói” nhưng anh đã "chữa cháy" bằng cách chuyển sang làm đầu nậu gỗ trồng và “sống khỏe” nhờ nghề này.

Sẵn có kiến thức về gỗ, biết đầu mối tiêu thụ và biết cách làm nên vừa về quê, anh H. đã liên kết với vài người trong xóm lùng sục khắp nơi để tìm mua từ gỗ keo rừng trồng đến các loại gỗ vườn như mít, xoan đâu, phi lao, bạch đàn và các loại gỗ tạp khác...

Khoảng 50 - 80% lợi nhuận gỗ vườn, gỗ rừng trồng rơi vào túi “đầu nậu”!

Do không có nhiều cơ sở chế biến tinh sâu để biến gỗ vườn, gỗ rừng trồng thành những sản phẩm gia dụng cần thiết nên gỗ trồng đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho đầu nậu. Trong ảnh: Một xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Hương Trạch (Hương Khê).

Không giấu diếm, anh H. khoe: “Mấy năm gần đây, “bở ăn” nhất là làm gỗ vườn vì phong trào xóa bỏ vườn tạp đang diễn ra rất rầm rộ. Các loại cây thân gỗ trong vườn nhà của các hộ miền núi tuy không phải quý hiếm nhưng rất nhiều, dễ khai thác, vận chuyển, sẵn đầu ra và mua với giá rẻ nên có lợi nhuận lớn.

Đơn cử, 3 anh em bọn tôi tìm “hàng” và khai thác 1 xe tải gỗ xoan đâu trên địa bàn Hương Khê mất chưa đến 3 ngày, tốn khoảng 3 triệu đồng tiền mua gỗ và 800 ngàn tiền vận chuyển. Nhưng khi chở xuống Đức Thọ nhập để họ chế biến thì xe gỗ xoan khoảng 3 chục tấn này được bán với giá 18-19 triệu đồng, lãi gần gấp 6 lần...”.

Khoảng 50 - 80% lợi nhuận gỗ vườn, gỗ rừng trồng rơi vào túi “đầu nậu”!

Do các cánh rừng nguyên liệu nằm ở những vị trí khó khăn, người dân không có kinh phí để làm đường vận xuất, mua máy móc để tự khai thác, tự liên hệ đầu mối tiêu thụ nên phải dựa vào trung gian. Trong ảnh: Người dân xã Hương Lâm (Hương Khê) khai thác keo tràm...

Chia sẻ với chúng tôi, Đ. - một "đầu nậu" ở Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) không chút giấu diếm: Từ chỗ một công nhân lâm trường nghỉ việc với hai bàn tay trắng nhưng nhờ lợi nhuận từ buôn keo tràm mà tôi đã có “của ăn, của để” và gom được rất nhiều đất rừng của những người “bán lúa non.

Mấy năm trước, vốn còn ít thì tôi thường thu mua keo tràm của người dân ở vùng lân cận, mỗi ha trừ chi phí kiếm vài chục triệu đồng. Nhưng giờ vốn đã khá hơn nên keo tràm của các dự án từ các chủ rừng tập thể với diện tích rất lớn. Mua kiểu này, chỉ cần có “lại quả” thì việc thanh lý rừng thường được thực hiện với giá rất “mềm”, thậm chí có những cánh rừng bị ảnh hưởng bão thì giá bán như cho nên lãi đậm...".

Khoảng 50 - 80% lợi nhuận gỗ vườn, gỗ rừng trồng rơi vào túi “đầu nậu”!

Vận chuyển và tìm mối tiêu thụ sản phẩm gỗ trồng là những khâu người trồng "ngán" nhất nên đã tạo "đất sống" cho khâu trung gian. Trong ảnh: Người dân xã Hương Thọ (Vũ Quang) bốc keo lên xe chở đi tiêu thụ...

Qua tìm hiểu các hộ trồng keo ở các địa phương có nhiều diện tích rừng nguyên liệu, chúng tôi được biết: Hiện nay, mỗi chu kỳ keo bán băm dăm được trồng từ 4-5 năm, cho sản lượng bình quân khoảng 100 tấn/ha và được bán cho các đầu nậu với giá từ 45-50 triệu đồng/ha, tùy thuộc vào chất lượng rừng, địa hình khai thác. Thế nhưng, chỉ sau 2-3 ngày đốn hạ, bóc vỏ, đầu nậu bán cho các cơ sở chế biến với giá gần 1,1 triệu đồng/tấn và tính ra, những người làm khâu trung gian này có được 45-60 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí nhân công, vận chuyển và các chi phí khác khoảng 10 triệu).

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, hàng trăm ha rừng nguyên liệu và nhiều gỗ vườn đã được người trồng bỏ nhiều công sức chăm sóc, vốn đầu tư, chịu mọi rủi ro trong thời gian nhiều năm nhưng chỉ được 50-55% tổng giá trị sản xuất, thậm chí là 15-20% đối với gỗ vườn.

Với giá trị sản xuất như vậy thì có thể xem người dân đang “lấy công làm lãi”. Và cơ bản người dân đều biết bất cập này nhưng họ không có hướng khắc phục để hạn chế tối đa thất thoát trong khâu trung gian. Nguyên nhân là do người sản xuất thiếu đầu mối tiêu thụ, không có phương tiện vận chuyển, phương tiện khai thác, đang “mạnh ai nấy làm”, chưa liên doanh, liên kết với nhau để tìm hướng tiêu thụ sản phẩm...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast